8 quốc gia ký thỏa thuận quốc tế thám hiểm Mặt trăng

GD&TĐ - 8 quốc gia đã ký Hiệp định Artemis của NASA - thỏa thuận quốc tế thiết lập cách các quốc gia có thể hợp tác để tiến hành khám phá Mặt trăng một cách hòa bình và có trách nhiệm.

Hình minh họa các phi hành gia Artemis trên Mặt trăng. (Ảnh: NASA).
Hình minh họa các phi hành gia Artemis trên Mặt trăng. (Ảnh: NASA).

NASA thông báo rằng Mỹ, Úc, Canada, Ý, Nhật Bản, Luxembourg, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Anh đã ký Hiệp định Artemis. Giám đốc NASA Jim Bridenstine cho biết thỏa thuận này sẽ thiết lập một liên minh toàn cầu duy nhất hướng dẫn các cuộc thám hiểm lên Mặt trăng trong tương lai.

Ông cho biết: “Với việc ký kết ngày hôm nay, chúng tôi thống nhất với các đối tác của mình về việc khám phá mặt trăng và cố gắng thiết lập các nguyên tắc quan trọng để tạo ra một tương lai an toàn, hòa bình và thịnh vượng trong không gian cho cả nhân loại.”

NASA đã phát triển Hiệp định Artemis để hợp tác với các quốc gia khác nhằm thiết lập các nguyên tắc cơ bản để hướng dẫn hoạt động thám hiểm Mặt trăng. Chương trình Artemis của NASA nhằm mục tiêu đưa các phi hành gia quay trở lại Mặt trăng vào năm 2024.

Các hiệp định bao gồm các điều khoản về thăm dò hòa bình, an toàn, minh bạch, sử dụng bền vững tài nguyên không gian, hợp tác xây dựng và vận hành tàu vũ trụ và các phần cứng khác.

Mike Gold - phó Giám đốc phụ trách các mối quan hệ quốc tế và liên ngành của NASA cho biết: “Về cơ bản, Hiệp định Artemis sẽ giúp tránh xung đột trong không gian và trên Trái đất bằng cách tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu nhận thức sai lầm.”

Hiệp ước Artemis được xây dựng dựa trên một thỏa thuận quốc tế lớn khác được ban hành vào năm 1967. Hiệp ước này cấm sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác trong không gian.

Ngoài ra, hoạt động khám phá không gian, mặt trăng và các thiên thể khác chỉ nên vì mục đích hòa bình.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia có tham vọng về Mặt trăng đều đã ký hiệp định. NASA cho biết các quốc gia khác dự kiến ​​sẽ tham gia hiệp định trong thời gian tới.

Theo NBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ