Khổ vì... xét nghiệm

GD&TĐ - Tại Hội thảo Tăng cường quản lý chất lượng xét nghiệm do Bộ Y tế tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện nay do trình độ cán bộ y tế chưa đồng đều các tuyến, dẫn đến tình trạng đọc nhầm kết quả xét nghiệm, chụp chiếu khiến người bệnh chịu khổ.

Khổ vì... xét nghiệm

Dân khổ vì... bệnh viện bất đồng

Hiện nay, nhiều bệnh viện vẫn chưa công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, dẫn đến tình trạng bệnh nhân khi chuyển tuyến, hoặc đi khám lại ở viện khác phải làm lại các xét nghiệm.

Thậm chí, có những bệnh nhân vừa hôm trước xét nghiệm ở bệnh viện tỉnh nhưng hôm sau chuyển lên bệnh viện Trung ương vẫn bị yêu cầu làm lại đúng xét nghiệm đó.

Tại những bệnh viện lớn tỷ lệ bệnh nhân phải làm lại các xét nghiệm mà trước đó họ đã làm ở cơ sở y tế khác khá cao khiến người bệnh bức xúc, gây lãng phí, tốn kém.

Lý giải về thực tế này, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho rằng, mỗi thời điểm có bệnh lý lâm sàng khác nhau, có thể ở Bệnh viện A người bệnh không bị sốt, đau đầu song khi tới Bệnh viện B lại bị các triệu chứng nêu trên, do vậy bệnh viện B cần phải cho chụp MR, xét nghiệm để loại trừ các yếu tố nguy cơ.

Chia sẻ thêm về sự yếu kém của nhân viên ở một số cơ sở y tế, ông Lương Ngọc Khuê cho biết: Có nhiều bệnh viện được quảng cáo là chuẩn quốc tế song lại đọc nhầm kết quả khiến bệnh nhân lãnh đủ, chẳng hạn như trường hợp tại một bệnh viện tư nhân, khi người bệnh đến xét nghiệm nội tiết tố do sảy thai nhiều lần, do đọc kết quả không chính xác, bác sỹ kê đơn cho bệnh nhân uống thuốc, sau khi bệnh nhân uống thuốc tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Năm 2018, sẽ chuẩn hóa?

Cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, hiện Bộ Y tế đã yêu cầu 122 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và bệnh viện hạng I rà soát, lập kế hoạch thực hiện chuẩn bị cho liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chậm nhất đến hết năm 2018 sẽ thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm của các bệnh viện hạng đặc biệt.

Tuy nhiên, theo một số lãnh đạo bệnh viện, trên thực tế, một số xét nghiệm chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định, hơn nữa, hệ thống kiểm chuẩn trong nước chưa đánh giá, phân loại được tất cả các phòng xét nghiệm của các bệnh viện (theo loại A, B, C, D, E) như ở nước ngoài.

Do vậy Bộ Y tế nên sớm đánh giá, kiểm chuẩn chất lượng phòng xét nghiệm và có quy định bệnh viện tuyến nào thì công nhận xét nghiệm lẫn nhau, loại bệnh lý nào thì khi chuyển tuyến không phải làm lại xét nghiệm.

Về chủ trương liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, việc công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Chẳng hạn phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai đạt chuẩn ISO 15189, nhưng bệnh viện có phòng xét nghiệm đạt chuẩn như vậy ở nước ta không nhiều.

Chưa kể máy móc xét nghiệm, hóa chất xét nghiệm của các bệnh viện được đầu tư khác nhau, nhân lực làm xét nghiệm trình độ khác nhau nên kết quả có thể khác nhau.

Nếu bác sỹ không chỉ định xét nghiệm lại mà căn cứ vào kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác để mổ luôn, chẳng may bệnh nhân có làm sao thì ai chịu trách nhiệm?

Còn GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E thì cho rằng hiện nay, bệnh viện đã công nhận rất nhiều kết quả xét nghiệm, chiếu chụp của các bệnh viện khác. Tuy nhiên, có những xét nghiệm có thể dùng ngay nhưng cũng có nhiều xét nghiệm bắt buộc phải làm lại.

“Chẳng hạn trước khi truyền máu, xét nghiệm công thức máu không cần phải làm lại nhưng xét nghiệm nhóm máu thì bắt buộc phải làm lại cho dù bệnh nhân đã làm nhóm máu ở bệnh viện khác. Bởi nếu không chắc chắn nhóm máu chính xác, truyền máu vào sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân” - Giám đốc Bệnh viện E nêu quan điểm.

GS Lê Ngọc Thành cũng cho rằng, trước mắt, khi phòng xét nghiệm của nhiều bệnh viện còn chưa đạt chuẩn thì Bộ Y tế phải đứng ra làm trọng tài, chỉ định các bệnh viện nào thì công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, loại bệnh lý nào khi chuyển tuyến không phải làm lại xét nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ