Khó kiểm soát Covid-19 do nguồn vắc-xin nhập khẩu hạn chế

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, dịch bệnh luôn thường trực. Do đó, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào phát triển vắc-xin. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vắc-xin nhập khẩu còn hạn chế.

Phản ứng phụ thường gặp sau tiêm vắc-xin Covid-19 là đau mỏi tại chỗ tiêm.
Phản ứng phụ thường gặp sau tiêm vắc-xin Covid-19 là đau mỏi tại chỗ tiêm.

Nguy cơ luôn thường trực

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, tới nay, cả nước ghi nhận tích lũy 2.560 trường hợp mắc Covid-19.

Trong đó, có 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước (61,1%). Trong số các trường hợp mắc được ghi nhận, có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (85,4%). Hiện, còn 339 ca được điều trị (13,2%) và 35 trường hợp tử vong (1,4%).

Cũng theo lãnh đạo ngành y tế, tình hình dịch bệnh trong nước hiện đã cơ bản được kiểm soát, ngăn chặn lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao. Bên cạnh đó là nguy cơ dịch bệnh xâm nhập do tình trạng nhập cảnh trái phép.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào phát triển vắc-xin. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vắc-xin nhập khẩu còn hạn chế.

Trong khi đó, theo dự kiến, tới quý IV năm nay, Việt Nan sẽ có vắc-xin trong nước. Vì vậy, trước mắt, việc tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo 5K là điều cần thiết.

Hơn 20 nghìn người được tiêm vắc-xin

Bộ Y tế hiện tiếp tục đàm phán với các công ty khác nhau để đa dạng hóa nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19. Bộ Y tế đang làm việc với Pfizer. Dự kiến, nhà sản xuất này có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng làm việc để mua vắc-xin của Johnson & Johnson, Modema, Quỹ đầu tư Nga (Sputnik -V)...
Bên cạnh nguồn vắc-xin nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc-xin trong nước. Vắc-xin ngừa Covid-19 Nanocovax của công ty NANOGEN phát triển đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người từ ngày 26/2. Trong khi đó, vắc-xin COVIVAC do IVAC nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 15/3.

Sáng 17/3, theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia, có thêm 4.260 người được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 vào ngày 16/3.

Như vậy, tính đến cuối giờ chiều 16/3, tổng cộng đã có 20.695 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Những người này là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Trong đó, các nhân viên y tế này thực hiện những nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết.

Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 16/3, chương trình TCMR cũng ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vắc-xin Covid-19 AstraZeneca, với các dấu hiệu như: Sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, phát ban, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy…

Bộ Y tế khuyến cáo, trong trường hợp người được tiêm xuất hiện dấu hiệu mẩn ngứa lan rộng, mạch nhanh, huyết áp tăng cao hoặc tụt, tức ngực khó thở, chân tay lạnh… hoặc có diễn biến nặng lên, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được xử trí kịp thời. 

Chương trình TCMR đã tổ chức kiểm tra giám sát tại một số tỉnh/thành phố. Kết quả cho thấy, tất cả các địa phương đều thực hiện đầy đủ công tác an toàn tiêm chủng và tư vấn trước tiêm. Người đến tiêm được thông báo số điện thoại của các cơ sở y tế trong trường hợp khẩn cấp, nhằm được hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh bảo đảm an toàn tiêm chủng, điểm tiêm cũng bố trí các phòng theo quy tắc một chiều, giãn cách giữa các bàn, phòng để chống lây nhiễm Covid-19.

Bản chất của phản ứng phụ

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu ung thư Quốc gia City of Hope, California (Mỹ), mọi người thường quan tâm tới việc tiêm vắc-xin Covid-19 có an toàn không. Theo chuyên gia này, tính an toàn luôn là tiêu chí hàng đầu khi sản xuất vắc-xin.

Bên cạnh đó, các phản ứng phụ sau tiêm phải nằm trong ngưỡng chấp nhận được. Tỷ lệ người gặp phản ứng phụ nghiêm trọng phải chiếm con số vô cùng nhỏ, gần như bằng 0.

“Không phải bất cứ ca tử vong nào sau tiêm vắc-xin cũng đều do vắc-xin. Bản chất của vắc-xin là kích hoạt hệ miễn dịch để nhận biết virus thực sự thế nào. Qua các phần nhỏ của virus được đưa vào cơ thể theo cách này hay khác, việc cơ thể phản ứng sau tiêm vắc-xin là điều dễ hiểu. Phản ứng thường gặp là đau tại chỗ tiêm hoặc đau cánh tay.

Đặc biệt, sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi thứ hai, hệ miễn dịch sẽ phản ứng mạnh hơn, như sốt, nhức đầu, mỏi cơ, mệt... Những phản ứng này giống một cuộc tập dượt của cơ thể với các mô hình virus được đưa vào để hệ miễn dịch học hỏi”, TS Nguyễn Hồng Vũ lý giải.

Theo chuyên gia này, những người trẻ, khoẻ vẫn nên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Bởi, việc tiêm vắc-xin giúp bảo vệ bản thân và người xung quanh. Khi tiêm vắc-xin, cơ hội virus có thể xâm nhập vào cơ thể để gây bệnh giảm rất nhiều. Điều này cũng có nghĩa là sẽ làm giảm khả năng một người vô tình truyền virus sang cho người khác. 

“Đây là tiền đề cơ bản của miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ người miễn dịch với virus trong cộng đồng tăng sẽ giúp ngăn cản virus lây lan cho những người có nguy cơ cao, nhưng không thể tiêm vắc-xin. Nhóm này bao gồm người mắc bệnh liên quan tới suy giảm miễn dịch, người dị ứng nặng với các thành phần trong vắc-xin, trẻ nhỏ”, TS Vũ cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ