Khi phim Oscar ra rạp Việt

GD&TĐ - Vừa qua, những bộ phim đoạt giải Oscar 2016 được nhập và trình chiếu tại các cụm rạp Việt Nam. 

Khi phim Oscar ra rạp Việt

Mặc dù doanh thu này được coi là khá so với phim Oscar được nhập về trước đây nhưng vẫn là con số rất khiêm tốn so với các phim thương mại “bom tấn” của Hollywood tại thị trường Việt Nam. Dường như khán giả Việt Nam vẫn chỉ thích thú với phim thương mại, phim giải trí.

Đỉnh cao nhưng khó hút khán giả

Bộ phim với 4 đề cử Oscar 2016 The Danish Girl (Cô gái Đan Mạch) ra mắt khán giả Việt sau một tuần trình chiếu với doanh thu 6,5 tỷ đồng từ hơn 80.000 lượt khán giả là một thành công lớn với phim nghệ thuật khi chiếu ở Việt Nam. Trong quá khứ, các bộ phim mang hơi hướng nghệ thuật và có cơ hội tranh giải Oscar thường bị coi là kén khán giả khi tới thị trường Việt Nam.

Hai trong số các phim gây chú ý tại Oscar 2016 là The Revenant và Joy, sau 2 tuần công chiếu, bộ phim The Revenant thu hút trên 54.000 khán giả với doanh thu 5,55 tỷ đồng, Joy thu về trên 1,2 tỷ đồng với hơn 13.000 khán giả. Tuy nhiên, so với bộ phim hợp tác “Em là bà nội của anh” Việt hóa kịch bản của Hàn Quốc đã đạt được doanh thu 102 tỷ đồng thì con số ấy vẫn là khá thấp về doanh thu.

Trên thực tế, Oscar là giải thưởng điện ảnh có uy tín nhất thế giới, hấp lực về tính giải trí của nó không hề nhỏ, tuy nhiên, những bộ phim được đề cử hoặc đạt giải thưởng Oscar có khả năng thu lãi trên thế giới lại rất thấp tại thị trường Việt Nam. Chính các rạp chiếu tại Việt Nam cũng rất “ngại” nhận phim nghệ thuật vì lo không có khán giả.

Gieo hạt cho tình yêu điện ảnh

Theo bà Nguyễn Thùy Vân, đại diện nhà phát hành CGV cho hay, không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới, để đưa những bộ phim này đến với đông đảo công chúng cũng là bài toán khó. Dẫu biết các phim này sẽ rất khó hút khách tại Việt Nam và cầm chắc là sẽ lỗ nhưng nếu không công chiếu những bộ phim nổi tiếng như thế, những người yêu điện ảnh chân chính của Việt Nam sẽ chịu thiệt so với nước ngoài. Trong xu thế phát triển của thị trường điện ảnh Việt, việc làm này giống như gieo hạt cho ngày mai nên cần sự kiên nhẫn với rất nhiều tình yêu dành cho các tác phẩm xứng đáng được ra rạp.

Chính vì thế, nâng tầm thưởng thức của của khán giả không phải là việc một sớm một chiều nên rất cần sự đầu tư lâu dài từ phía nhà phát hành. Những bộ phim có giá trị nghệ thuật cao như vậy được trình chiếu tại Việt Nam là một nỗ lực đáng trân trọng để thị hiếu và trình độ thưởng thức điện ảnh của khán giả Việt ngày càng bắt kịp với các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới.

“Những người yêu điện ảnh đích thực luôn mong ước được xem những tác phẩm có giá trị và nghệ thuật sâu sắc. Hi vọng, với sự phát triển mạnh mẽ hơn của hệ thống rạp phim và các phương tiện quảng bá trong thời gian tới, với sự đầu tư công phu hơn về chiến lược truyền thông cho các bộ phim nghệ thuật thế giới và thị hiếu khán giả đang ngày một được nâng lên sẽ có sức sống mạnh mẽ trên thị trường phim Việt”, bà Nguyễn Thùy Vân, đại diện CGV cho biết.

Phần lớn các tác phẩm tranh giải Oscar là phim nghệ thuật chỉ phục vụ số ít khán giả yêu điện ảnh. Vì vậy, việc nhập các tác phẩm này về là một thách thức đối với các nhà phát hành. Hầu như các nhà phát hành luôn phải chịu lỗ khi phát hành các phim nghệ thuật này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.