Khi nữ võ sĩ Cuba được thượng đài

GD&TĐ - Là một cường quốc quyền Anh nghiệp dư, Cuba đã giành được 41 Huy chương Vàng quyền Anh Olympic - chỉ đứng sau Mỹ.

Nữ võ sĩ Karen Cantillo luyện tập. Ảnh: Al Jazeera.
Nữ võ sĩ Karen Cantillo luyện tập. Ảnh: Al Jazeera.

Là một cường quốc quyền Anh nghiệp dư, Cuba đã giành được 41 Huy chương Vàng quyền Anh Olympic - chỉ đứng sau Mỹ.

Tại Thế vận hội Tokyo tổ chức năm 2021, quốc đảo Caribe này giành được 4 Huy chương Vàng quyền Anh. Tuy nhiên, trước đây, môn thể thao này bị cấm đối với nữ giới.

Vào tháng 12/2022, Liên đoàn Quyền Anh Cuba dỡ bỏ lệnh cấm quyền Anh nữ và tuyên bố thành lập đội tuyển nữ quốc gia.

Trong khi các vận động viên tài năng thường phải mất nhiều năm tập luyện để đủ điều kiện tham dự Olympic, phụ nữ trong đội tuyển quốc gia Cuba đang cố gắng lọt vào Thế vận hội Paris tiếp theo năm sau. Trong số này, một số người mới đeo găng tay đấm bốc lần đầu tiên cách đây 7 tháng.

“Trước đây, ước mơ của tôi là họ cho phép nữ thi đấu quyền Anh”, vận động viên Karen Cantillo nói với hãng thông tấn Al Jazeera tại phòng tập thể dục ở phía Đông Havana - “Bây giờ điều đó được phê duyệt, ước mơ của tôi thay đổi: Tôi muốn trở thành nhà vô địch, giành huy chương và làm nên lịch sử”.

Tại phòng tập, những phụ nữ mặc áo đệm bảo vệ tập luyện, trong khi những người khác đấm vào bao cát sờn hoặc gập bụng dưới tấm áp phích mờ nhạt của huyền thoại quyền Anh Cuba Teófilo Stevenson, người đã giành được 3 Huy chương Vàng Olympic trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Một cuộc chinh phục dành cho phụ nữ

Khi các võ sĩ nữ lần đầu tiên thi đấu tại Olympic London 2012, phụ nữ Cuba chỉ có thể đứng nhìn đồng hương nam của họ mang về Huy chương Vàng. Điều tương tự cũng xảy ra tại Río de Janeiro năm 2016 và Tokyo 2020, được tổ chức năm 2021 do đại dịch Covid-19.

Hầu như các quốc gia liên kết với Hiệp hội Quyền Anh Quốc tế (IBA) đều tập luyện môn quyền Anh nữ - ngoại trừ Cuba. Chủ tịch Liên đoàn Quyền Anh Cuba, Alberto Puig de la Barca, nói với Al Jazeera rằng lệnh cấm quyền Anh nữ bắt nguồn từ những lo ngại về an toàn.

Theo ông, có những lo lắng đối với cơ thể phụ nữ khi chơi môn thể thao này, đặc biệt là khi họ đang mang thai. Ông cho biết thêm, chính quyền đã tiến hành các cuộc điều tra kéo dài nhiều năm để đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Các nữ võ sĩ phải thử thai định kỳ, giờ đây lệnh cấm đã được dỡ bỏ và phụ nữ phải mặc đệm để bảo vệ.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây là vấn đề văn hóa và việc bảo vệ phụ nữ quá mức đã ăn sâu vào tâm trí mọi người.

Ví dụ, khi Ủy ban Olympic Quốc tế phê duyệt môn quyền Anh nữ năm 2009, huấn luyện viên trưởng đội tuyển nam Cuba Pedro Roque nói với các nhà báo rằng phụ nữ Cuba đến đó để khoe khuôn mặt xinh đẹp chứ không phải để nhận những cú đấm.

Trong một buổi tập gần đây, vận động viên Cantillo cho rằng lệnh cấm là không công bằng. “Tôi luôn nghĩ rằng trong khi nam giới mạnh mẽ hơn chúng tôi về mặt thể chất thì phụ nữ chúng tôi lại mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần. Vì vậy, tôi chưa bao giờ hiểu tại sao chúng tôi không được phép chơi môn quyền Anh”, Cantillo nói.

Bạn đấu của cô là Melany de la Caridad Girado cũng đồng tình với ý kiến trên. Cô nói: “Họ không muốn chúng tôi chơi quyền Anh - đây được coi là môn thể thao dành cho nam giới và phụ nữ phải ở nhà”.

Tuy nhiên, sự thất vọng chuyển sang vui sướng khi tháng 12/2022, chính quyền thông báo lệnh cấm quyền Anh dành cho nữ sẽ được dỡ bỏ và họ sẽ tổ chức các cuộc đấu cho một đội tuyển nữ quốc gia.

Nữ võ sĩ Yakelin Estornell đánh vào bao cát. Ảnh: Al Jazeera.

Nữ võ sĩ Yakelin Estornell đánh vào bao cát. Ảnh: Al Jazeera.

Mở ra những mơ ước

Cuộc sống thay đổi gần như chỉ sau một đêm. Vận động viên Elianni de la Caridad Garcia, người từng làm việc trong bếp của một trường tiểu học cho đến lúc đó, đã “nhảy lên vì sung sướng” khi biết tin. “Chúng tôi đã chờ đợi điều này trong nhiều năm” - Garcia nói và cho biết đây là “cuộc chinh phục của phụ nữ”.

Đội trưởng Lianet Gomez của tuyển nữ quốc gia là một vận động viên hạng nhẹ và cô tham gia môn quyền Anh chỉ một tuần trước cuộc thử sức của đội tuyển quốc gia. Trước đó, cô đại diện cho đội karate quốc gia và đây là lần đầu tiên cô đeo găng tay đấu quyền Anh.

Từ khi nhà nước dỡ bỏ lệnh cấm và bắt đầu chiếu phụ nữ đấu quyền Anh trên TV, nhận thức của công chúng dường như đã thay đổi.

Cantillo là một người đã tập luyện nhiều năm trong phòng tập đấm bốc để giữ dáng nhưng không thi đấu. Cô cho biết, mọi người thường chỉ trích cô và nói rằng môn thể thao này dành cho nam giới, nó không dành cho phái nữ. Tuy nhiên, điều này không còn xảy ra nữa, những bình luận tiêu cực đã chấm dứt kể từ khi nhà nước chấp nhận nó.

12 phụ nữ trong đội tuyển quyền Anh quốc gia - 2 người ở mỗi hạng cân - hiện đã từ bỏ công việc hàng ngày và giống như tất cả các vận động viên ưu tú của Cuba, họ được nhận lương.

Karen Cantillo mơ ước được đến Olympic Paris 2024. Ảnh: Al Jazeera.

Karen Cantillo mơ ước được đến Olympic Paris 2024. Ảnh: Al Jazeera.

Đội đã ra mắt quốc tế vào tháng 4 vừa qua tại ALBA Games. Sáu võ sĩ hàng đầu tham dự Đại hội Thể thao Trung Mỹ và Caribe ở San Salvador vào tháng 6, mang về 2 Huy chương Đồng và 1 Huy chương Bạc.

Legnis Cala, 32 tuổi, từ một bà nội trợ trở thành vận động viên giành Huy chương Bạc tại Đại hội Thể thao Trung Mỹ và Caribe trong vài tháng. Cala cho biết, cô tin mình sẽ đến được Paris. Tuy nhiên, cô phải giành được giải vàng hoặc bạc trong Thế vận hội Liên Mỹ vào tháng 10 này nếu muốn đủ điều kiện.

“Tôi đã hiện thực hóa ước mơ của mình bằng cách thi đấu cho đất nước trong các sự kiện quốc tế, đại diện cho lá cờ và bước lên bục vinh quang với huy chương”, Legnis Cala chia sẻ.

Theo Al Jazeera

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ