Khi hy vọng mở đường...

GD&TĐ - Nhà tôi nghèo lắm, nghèo đến mức tôi hầu như không có ý niệm về sở hữu tài sản, vì ngoài túp nhà tranh rách nát làm gì có tài sản mà có ý niệm.

Khi hy vọng mở đường...

Từ lúc tôi chào đời đã thấy mẹ tần tảo với gánh xôi gánh bắp. Mà mẹ có khi bán những thứ khác, những việc “kinh doanh” mà vốn liếng chỉ mấy đồng bạc là có thể làm được: Bánh dừa, cốm dẹp, bánh cam, bánh mì, bánh da lợn… 

Từ tiểu học, tôi đã rong ruổi với cần xé bánh mì trên vai. Khi ấy tôi có một chút mắc cỡ, lẽ ra bán ở chỗ đông người, tôi lại chuyện quảy cần xé vào thôn xóm vắng vẻ, vì sợ gặp bạn học!

Ở thị trấn huyện lỵ mà nhà tôi không hề biết đến thứ gì của văn minh: Không điện, không ti vi, không có cả rađiô. Tất cả nỗ lực của mẹ dồn cho khạp gạo để no lòng ba đứa con côi cút không cha.

Nhưng đúng là thượng đế không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả. Tôi được đi học. Thị trấn có ngôi trường tiểu học xây từ thời thuộc Pháp, tường ngói rong rêu, và có thật nhiều phượng vĩ. Tôi nhếch nhác đến trường khi đã lớn tồng ngồng. Tôi học, rất cố gắng và có thêm một may mắn: Tôi thích đọc sách.

Cậu bé con nhà nghèo kiết xác tìm thấy trong sách một thế giới khác, thế giới tri thức - nghệ thuật… Tôi đọc tất cả những gì lọt vào tay mình, kể cả những thứ có vẻ như không thể hiểu nỗi. Tôi đọc như một sự bù đắp cho những thiếu thốn, thiệt thòi.

Tâm hồn trẻ thơ rong ruổi theo Đôngkisốt ở xứ Tây Ban Nha, và cùng thuyền trưởng Nam Mộ vòng quanh trên chiếc tiềm thủy đỉnh trứ danh. Tôi cũng đọc nhiều sách về lịch sử, và cả triết học - một thứ quá khô khan với một đứa trẻ.

Để có sách, tôi mò cua bắt cá để mua. Và may mắn là thời đó, thời bao cấp, sách rất rẻ. Tôi là khách hàng quen thuộc của hiệu sách nhân dân, thư viện huyện. Thấy ai có sách hay, tôi tìm cách mượn.

Tôi có một tủ sách, và đấy là tài sản duy nhất của tôi.

Chìm trong con chữ, trong tôi cháy bỏng một ước mơ: Viết những cuốn sách hay, nói với mọi người về suy nghĩ của mình. Một ước mơ to tát của một học trò nghèo.

Mà tôi đã chạm một chút xíu vào mơ ước ấy khi lần lượt có giải tại các kỳ thi học sinh giỏi văn vòng trường, vòng huyện, vòng tỉnh, và dự thi vòng toàn quốc.

Nhưng chỉ được như thế. Tôi nghỉ học, lùi bước. Tôi không thể nhìn mẹ với gánh xôi ở ngay cổng trường, tôi muốn làm một cái gì đó... cho mẹ.

Hai chục năm, gần như thế, tôi lăn lộn trong đời sống bụi bặm, nhớp nháp mồ hôi, và buồn thiu khi ngần ấy năm tháng không tạo được gì, cả cho mẹ lẫn cho tôi. 

Tôi cầm lấy cây bút, tập tành viết lách. Lóng ngóng với con chữ và ước mơ ùa về. Xúc cảm nhiều năm ấp ủ, trải nghiệm thực tế dồi dào, và như thế - tôi viết.

Tôi viết, tôi gửi. Lại viết lại gửi. Không nản…

Một ngày đẹp trời, người bưu tá đã mang đến quyển tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, trong ấy có đăng bài viết đầu tiên của tôi! Niềm vui chảy trong lòng, nước mắt ứa ra… 

Tôi bước vào cơ quan Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, đĩnh đạc ký nhận những đồng nhuận bút đầu tiên, ra ngay chợ mua quà cho mẹ. Ít thôi, nhưng không hề nhỏ nhoi.

Niềm vui lần lượt gõ cửa nhà tôi, những bài báo nho nhỏ cứ được đăng khi ở nơi này, khi ở nơi khác. Tôi viết về những chuyện xung quanh mình, những ấn tượng sâu đậm của quá khứ…

Như vậy đấy. Tóc đã mấy sợi bạc, vẫn trắng tay. Và những cuốn sách hay tôi vẫn chưa viết được, nhưng tôi đã chạm một chút vào ước mơ của mình, ước mơ có từ ngày còn bé tí.

Tôi không chùn bước nữa, tôi tiếp tục tiến lên, luôn luôn hy vọng.

Và, hy vọng đã mở đường đi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.