Khi chồng chỉ nghe lời mẹ

Chồng ngồi đó nghe bà chửi mắng tôi vô lý mà không nói câu gì, dù anh biết tôi không có ý chê bà...

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Tôi lấy chồng được gần 4 năm. 3 năm đầu, không có mâu thuẫn gì với gia đình chồng. Tôi quen và yêu chồng 10 năm mới cưới nên cuộc hôn nhân này rất quan trọng.

Trước ngày tôi sinh thì ba chồng mất vì ung thư. Điều này tôi đã linh cảm từ trước nên không bất ngờ khi nghe báo tin buồn. Tôi thật sự đau lòng khi bị mẹ chồng kết tội trù cha chồng chết. 

Tôi chỉ đăng trên trang mạng xã hội tâm trạng là không muốn mất thêm người thân nào nữa, lẽ nào tôi nói vậy là trù ẻo sao? Chính bác sĩ cũng đã thông báo trước mấy tháng cho gia đình chuẩn bị.

Mẹ tôi mất sớm, chị gái đang mang thai nên sinh xong, tôi đành về nhà chồng nghỉ dưỡng dù biết mình sẽ không hòa hợp được. Thấy tôi hay than vãn nỗi khổ khi sống chung với mẹ chồng, chồng lấy lý do buồn chán đó mà liên hệ với bạn gái cũ. 

Khi tôi phát hiện được điều này, anh năn nỉ và xin lỗi tôi, nói là chưa làm gì quá đáng, hứa sẽ không tái phạm nữa. Giờ đây, con đã 5 tháng, tôi lại gặp phải chuyện buồn từ công việc. Sau 5 tháng nghỉ thai sản tôi đi làm lại, nhưng công ty lấy lý do không có nhiều đơn hàng nên không cho tôi vào làm nữa.

Muốn tâm sự với chồng về mọi chuyện, nhưng anh quá nghe lời mẹ. Cái gì anh cũng để bà quyết định. Bà đòi giữ con của tôi. Tôi nhớ con điện thoại về hỏi thăm thì mẹ chồng cho là nghi ngờ bà vô trách nhiệm. 

Cuối tuần về thăm con, ẵm con thấy vết muỗi cắn, tôi xức thuốc cho hết thì bà cho là làm bẽ mặt bà, rồi bà khóc lóc với chồng tôi và mắng chửi tôi. Chồng ngồi đó nghe bà chửi mắng tôi vô lý mà không nói câu gì, dù anh biết tôi không có ý chê bà. Tôi thật sự rất bi quan, không biết giờ nên làm gì nữa. Nửa muốn vì con mà nhẫn nhịn, nửa muốn bỏ đi. (Dung)

Trả lời:

Chào bạn,

Trong cuộc sống, không phải cái gì biết cũng nói ra và không phải sự thật nào nói ra cũng là tốt. Có những điều người xưa dạy “sống để bụng chết mang theo”. 

Những nguyên tắc này rất quan trọng trong ứng xử, nhất là vấn đề nói về cái chết thì người ta luôn luôn phải tránh, ngay đối với bác sĩ khi biết bệnh nhân bị ung thư cũng đều nói “cố gắng chữa sẽ khỏi”, còn dân gian nói “còn nước còn tát”.

Bạn đã sai lầm về việc “đăng trên trang mạng xã hội tâm trạng của bạn với bạn bè là không muốn mất thêm người thân nào nữa”. 

Câu nói này vô tình đã thừa nhận việc người mất kia là tất nhiên như mình đã biết và tâm lý bạn thể hiện rất rõ “điều này tôi đã linh cảm từ trước nên tôi không bất ngờ khi nghe mọi người báo tin buồn”. 

Cái linh cảm của bạn sẽ bị người ta hiểu “linh cảm quái ác” và đúng như “mẹ chồng kết tội trù cha chồng chết”.

Trong trường hợp cha chồng bạn bị ung thư, bác sĩ có thể đưa ra kết luận cuối cùng vì đấy là nghề nghiệp, nhưng đối với con cái thì hy vọng vẫn là tuyệt đối. 

Có những người khi biết cha mình bị ung thư qua sự thông báo của bác sĩ nhưng họ không thể nói ra cái tin ấy và lúc người cha chết vẫn sửng sốt và bất ngờ. 

Nếu tin vào việc chết của người khác đến mức mất cảm xúc “bất ngờ” thì ở đấy các nhà tâm lý gọi là “chai tâm lý”, tức là tâm lý bị khô cằn mất cảm xúc. Trước cái chết của người thân mà “mất cảm xúc” thì sẽ bị kết luận “độc ác”. 

Bạn bị kết luận “trù ẻo” là đúng về trạng thái tâm lý của những người thương người quá cố quá mức. Trong khi họ thương như vậy mà mình lại còn “đăng trên trang mạng xã hội” nữa thì quả thực họ cảm thấy bị xúc phạm hoặc cho là “trù ẻo” là đúng tâm lý thông thường của tình cảm.

Bây giờ bạn lại mắc phải sai lầm vì quá quan tâm đến con mà qua mặt mẹ chồng. Việc đã gửi con cho mẹ chồng thì quyền quyết định thuộc mẹ chồng. 

Việc bạn gọi điện về trước hết phải hỏi thăm mẹ chồng, nói với mẹ chồng… sau đó xin phép mẹ chồng cho con nói chuyện với em bé được không, nếu mẹ chồng đồng ý thì nói và nói cũng phải ít thời gian hơn nói với mẹ chồng. 

Còn việc khi về thấy con bị muỗi cắn thì bạn phải mua dầu đưa cho bà để bà bôi cho cháu. Bà ngồi đấy mà bạn thấy vết muỗi cắn nơi con xuýt xoa đem dầu ra xoa chẳng khác nào “chửi bà để muỗi cắn cháu”. Trong tình cảnh đấy chồng bạn đành im lặng là đúng.

Bạn cần học cách ứng xử tế nhị để giữ hạnh phúc gia đình. Có người mẹ chồng lo cho cháu như thế là tiên rồi. Bình tĩnh, sáng suốt tìm việc làm để có tiền sống và nuôi con cũng như giữ lấy chồng là khôn ngoan.

Chúc sự sáng suốt.

Theo Vnexpress

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.