Khi bố mẹ về hưu

GD&TĐ - Về hưu là một bước ngoặt lớn chẳng khác gì khi người ta bắt đầu có một công việc đầu đời. Có người thực sự được nghỉ ngơi, được vui vẻ hưởng thụ tuổi già khi đến tuổi hưu nhưng cũng có người đối diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng, và điều đó có thể dẫn tới những đổ vỡ trong gia đình.

Khi bố mẹ về hưu

1. Sáng sớm khi chị Hương và chồng vừa chuẩn bị đi làm thì cũng thấy bố chồng thắt cà vạt, dắt xe ra. Ông đi đâu vào giờ cao điểm của dân công sở? Mất vài phút, anh chị mới hiểu ra bố đã quen giờ đó đi làm, nên ông cũng định xách cặp tới cơ quan. Ra tới cổng, ông mới nhớ hôm qua đã chính thức về hưu. Nghĩa là hôm nay ông không phải đi làm, nghĩa là ông đang hành động theo phản xạ quen thuộc, mà lẽ ra đã cần thay đổi. Ông quay lại với vẻ mặt thất vọng, hụt hẫng khiến vợ chồng chị Hương bối rối, không biết nên an ủi bố thế nào.

Hội chứng tâm lý về hưu không chỉ dừng ở đó. Nhiều ngày sau, ông sống trong tâm trạng u uất, quanh quẩn khiến chị Hương cảm thấy ngột ngạt. Rồi những bữa cơm, ông nói chuyện nhiều hơn, toàn chủ đề “ngày trước ở cơ quan bố…”, “không biết bây giờ cơ quan chúng nó làm thế nào?”… Có hôm ông về nhà với đầy bực tức trút lên các con, chỉ vì “mình mới về hưu mà gặp thằng lái xe nó không thèm chào, đồ bạc nghĩa”, “Mai bố phải lên cơ quan cũ, cho bọn cấp dưới một trận. Vừa thấy mình về hưu là chúng nó đã lạnh nhạt như thế à. Không có bố thì thằng Quân, con Mai giờ được như thế ư!”. Cảm giác “mất vị trí” của ông đã khiến các con trở thành “bia chịu đạn”. Mất cả tháng trời, chị Hương mới học hỏi được kinh nghiệm để “tháo gỡ” tình cảnh này. Chị tỏ ra lắng nghe bố và còn tìm hiểu động viên bố tham gia vào câu lạc bộ người cao tuổi địa phương, để cụ tham gia đạp xe mỗi sáng, lại còn phát huy thú chơi cây cảnh. Thế là cụ quên dần cảm giác “thèm đi làm”, “cảm giác bị mất vị trí”.

2. Chị Lan thì lại cảm thấy việc làm dâu của mình bỗng dưng khó khăn hơn chỉ vì mẹ đẻ chị bỗng rảnh rỗi ở tuổi hưu trí. Được nghỉ hưu, thế là bà chăm chỉ tới thăm thông gia và con gái. Lúc đầu thì bố mẹ chồng chị hồ hởi tiếp đón thông gia. Nhưng đến thăm nhiều, để ý nhiều, thành ra mẹ chị cũng góp ý nhiều hơn khiến bố mẹ chồng chị cảm thấy phiền. Không những thế, sự xuất hiện của mẹ đẻ quá thường xuyên khiến chị khó xử với bố mẹ chồng. Rồi hai bà thông gia bắt đầu để ý, nói xấu nhau nhiều hơn. Mẹ chị thì gọi điện nói với chị rằng “bố mẹ chồng mày thật là lạnh nhạt, cố gắng kiếm tiền ra ở riêng đi”. Còn mẹ chồng giận mẹ chị chuyện gì cứ đổ lên đầu chị với những câu đá xéo. Lúc chị bảo mẹ đến nhà mình ít thôi thì bà lu loa lên giận dỗi “Được, từ nay đừng có mong tôi tới…”. Đã thế, thỉnh thoảng chị Lan còn nghe tin đồn rằng mẹ chị hay ngồi lê đôi mách, nói xấu chuyện nhà hàng xóm khiến họ hiểu lầm nhau, và sau đó thì họ la mắng mẹ chị. Những chuyện đó qua đi được thì lại đến tin bà trầm cảm vì suốt ngày quanh quẩn ở nhà. Không đến thăm con gái nhiều nữa, không đi chơi hàng xóm nhiều nữa để tránh mang tiếng buôn chuyện nên bà suốt ngày ở nhà. Ở nhà nhiều thì chán, thời gian lâu hết, xem ti vi mãi cũng chán nên nghĩ vẩn vơ. Không những thế, bố chị Lan còn tham gia nhiều công việc xã hội, vẫn đi nhiều, ông lại phong độ nên bà bỗng dưng ghen tuông nhiều, dù trước đây chẳng thế. Cuối cùng, bố chị đã xin được một việc phù hợp cho mẹ chị, cùng ông đi đây đó chỉ nhằm làm thêm cho vui, giúp đỡ lớp trẻ. Lúc đó bà mới lại linh hoạt vui vẻ trở lại, không thì “tan vỡ cuối đời” là khó tránh.

3. Vợ chồng anh Tú thì lại tận hưởng được niềm vui bên nhau nhiều hơn nhờ bố mẹ nghỉ hưu. Trước lúc nghỉ hưu, ông bà đã bàn với anh chị là sẽ có thời gian trông cháu nhiều hơn, anh chị không phải thuê người giúp việc nữa. Anh chị vừa yên tâm khi gửi con cho ông bà, lại vừa có nhiều thời gian cống hiến và thời gian đi du lịch cùng nhau hơn. Tuy nhiên trước khi nghỉ hưu, hai bên cũng đã phải làm “tư tưởng” nhiều lắm. Anh chị thì suy nghĩ xem có nên để bố mẹ trông cháu thay người giúp việc không, hay tư vấn giúp ông bà tham gia những câu lạc bộ của người lớn, giúp ông bà tìm công việc khác khuây khỏa tuổi già. Anh sợ nhất là khi bố mẹ nghỉ hưu, trông cháu thì việc tiếp xúc giữa vợ anh và bố mẹ chồng nhiều hơn, có thể nảy sinh va chạm không. Bởi gia đình bạn anh cũng đã kể “kinh nghiệm xương máu” về những lục đục khi bố mẹ nghỉ hưu ở cùng, giúp trông cháu. Bạn anh đã khuyên “tốt nhất là tìm cho ông bà thú vui khác giết thời gian, ông bà thương cháu nhưng trông cháu giúp có nhiều điểm tiêu cực lắm, bố mẹ con cái lục đục hơn, mâu thuẫn cách nuôi dạy nữa…”.

Nhưng thật may, vợ anh cũng rất hiểu tâm lý bố mẹ chồng, và bố mẹ anh cũng lại rất bình tĩnh cùng các con thảo luận khi có mâu thuẫn. Thế là từ lúc bố mẹ nghỉ hưu, gia đình anh chị tươi vui hơn, cảnh nhà cũng đẹp hơn vì ông bà có thời gian trồng hoa, sang sửa nhà cửa tươi mới hơn. Không những thế, ở tuổi về hưu, anh chị còn cảm thấy bố mẹ thắm thiết hơn, tình vợ chồng lúc già lại mặn nồng hơn. Có lẽ vì dư dả thời gian nên họ đã tận hưởng nhiều kỳ du lịch nghỉ dưỡng cùng nhau, họ có thời gian về quê và gặp gỡ bạn bè hơn, để tâm trí thảnh thơi an nhàn hơn.

Thế mới biết, khi gia đình có người nghỉ hưu thì không chỉ chính bản thân người đó cần chuẩn bị tâm lý mà những người xung quanh cũng cần chuẩn bị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.