(GD&TĐ) - Đêm nào cũng thế, vòi nước nhà ông Nguyễn Hồng Đạt - Trưởng thôn luôn luôn ở trong trạng thái mở để hứng nước, nhưng rồi đến sáng sớm chợt nhìn ra những thùng nước được đặt ngăn nắp dưới chiếc vòi nhỏ nhắn vẫn không có lấy một giọt nước nào. Cứ hy vọng đến thất vọng kéo dài suốt 13 năm kể từ ngày lên sống tại thôn Định Cư (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế).
Vấn nạn thức đêm đợi nước đang trở thành nỗi ám ảnh của hơn 100 hộ dân đang sinh sống tại khu vực này, cho dù hệ thống ống nước tự chảy đã được Nhà nước đầu tư từ rất lâu.
Cả gia đình chị Liên cùng nhau ra bến đò Thạch Hàn để lấy nước sông về uống |
Mỏi mắt ngóng nước về
Đang rầu rĩ nhìn vào bể nước còn chưa đầy một phần góc bể, ông Đạt định chạy xe xuống xã để báo cáo về tình trạng ngưng trệ của công trình nước sạch tự chảy. Khi nghe chúng tôi dừng xe vào nhà xin phép được gặp trưởng thôn để hỏi chuyện nước sạch ở thôn này, ông Đạt “được lời như cởi tấm lòng”: “Các chú lên đúng lúc đó, tui cũng đang định xuống ủy ban xã để báo cáo đây. Thà ngày xưa, lúc khó khăn bà con ai cũng vui vẻ, chịu khó sống trong cảnh thiếu cơm, thiếu nước. Bây chừ thời đại văn minh rồi, có ai khổ như bà con thôn tui mô. Cả đêm mỏi mắt cũng chỉ kiếm được vài ba giọt nước lăn tăn.
Để có nước sinh hoạt nhà nào hàng ngày cũng phải đi hai ba cây số đến bến Thạch Hàn để chở nước từ sông Hữu Trạch lên dùng. Ngày nào may mắn nước sông trong lành không nói chi. Như mùa này, mỗi khi có mưa giông, nước sông đục ngàu cũng chịu khó khiêng nước về để tắm thôi chú ơi, biết làm răng chừ”.
Tưởng ông Đạt nói quá lời ai ngờ sau chuyến “mục sở thị” khắp cả 132 hộ dân ở thôn Định Cư (xã Hương Tho), đi đâu cũng nghe bà con than vãn chuyện “đói nước sạch” để sinh hoạt. Tội nhất là vào giữa trưa trời nắng chang chang của vùng bán sơn địa, từng tốp thanh niên, người già, trẻ nhỏ lỉnh kỉnh xô chậu đi ngược về phía cuối dốc để tìm nguồn nước.
Để đối phó với cơn khát nước sạch tồn tại dai dẳng suốt mười mấy năm nay, bà con cũng đã làm đủ cách từ đào giếng, xây bể chứa, bể lọc rồi hứng nguồn nước tự chảy. Thế nhưng, cả thôn có 10 cái giếng thì có đến 8 cái không còn một giọt nước nào. Giếng ở thôn Đinh Cư đào xuống từ 8 đến 10m vẫn không có nước, đào sâu hơn gặp đá tảng xem như công toi. Giếng đào không được bà con chuyển sang giếng khoan. Nhưng làm giếng khoan cũng còn phải tính chuyện “hên xui” nữa nếu không “tiền mất tật mang”. Cụ thể như hộ ông Trương Tại, Hồ Văn Bảo, cả hai gia đình bỏ ra hơn 15 triệu đồng để khoan giếng nhưng cuối cùng giếng khoan có cũng như không. Nước giếng sau khi lấy lên đỏ ngàu, không thể dùng được đành bỏ hoang từ 2 đến 3 năm nay.
Trong số những hộ dân đang thiếu nước ở thôn Định Cư khổ nhất là 40 hộ gia đình đang sinh sống nằm ở bên đường Quốc lộ 49B, vùng gò đồi cao. Ở đây muốn có nước sạch phải đi ngót nghét gần 2 km. Ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Liên, một trong những hộ dân đang sinh sống trong vùng trọng điểm “khát nước”, cũng là lúc các thành viên trong gia đình chị đang chuẩn bị dụng cụ để xuống sông tắm giặt, tiện thể lấy nước về phục vụ sinh hoạt trong nhà.
Gia đình chị Liên có 5 nhân khẩu trông vào mấy cái lu chứa nước dự trữ, nhưng từ mấy ngày nay lu chứa nước trong nhà chị cũng không còn lấy một giọt nước dự trữ nào. Chị Liên than vãn: “Nói ra chắc mấy anh không tin, chứ bà con ở đây khổ lắm, nhiều lúc cả ngày đi làm rừng về mệt đừ người, tối về cũng không có lấy một giọt nước để tắm, bởi rứa khi mô đi giặt áo quần ở ngoài sông cũng tranh thủ chở vài ba bịch nước về nhà dự trữ. Có khi vào luôn cả chuồng heo để tắm cho tiết kiệm nước, một phần cũng dùng nước này để rửa phân heo sạch cho chuồng luôn”.
Bao giờ người dân hết “khát”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 132 hộ dân với gần 600 nhân khẩu hiện đang sinh sống tại thôn Định Cư trước đây sinh sống cạnh sông Hữu Trạch. Sau cơn “đại hồng thủy” năm 1999, bà con được di dời về thành lập một thôn mới gọi là thôn Định Cư chạy dọc được quốc lộ 49B.
Để tạo điều kiện cho bà con có nước sinh hoạt nơi vùng đất mới, nhà nước đã đầu tư hệ thống nước từ chảy kéo dài từ trên núi về. Tuy nhiên cho đến nay, hệ thống nước tự chảy này chỉ cung cấp được nước vào mùa mưa. Riêng đối với những vùng cao thì mùa hè nước không thể lên tới. Một số bà con ở đây cho biết, cả tháng đôi khi mới hứng được một vài thùng nước từ công trình này.
Để cứu vãn tình thế, Hợp tác xã nông nghiệp Hương Thọ đã dùng máy bơm dầu hút nước từ sông Hữu Trạch bơm vào hệ thống nước tự chảy phục vụ nhân dân, nhưng do nguồn nước nhiễm bẩn lại mất điện thường xuyên vào ngày hè nên nước đã không đến được các hộ vùng cao.
Năm 2010, Hương Thọ đã đầu tư 10 bồn chứa nước cho bà con ở thôn Định Cư, mỗi hộ phải bỏ thêm 1,7 triệu đồng để mua bồn chứa, nhưng do nước sinh hoạt thất thường, những ngày cắt điện không bơm được nên các bồn chứa cũng không phát huy tác dụng. Ông Nguyễn Hồng Đạt cho biết thêm: “Thực trạng thiếu nước nghiêm trọng của bà con đã diễn ra nhiều năm, qua các kỳ họp, chúng tôi đã phản ánh nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, bà con hiện tại phải dùng nước sinh hoạt thiếu vệ sinh, nguy cơ bệnh tật đe dọa rất cao.”
Trước sự kiến nghị của bà con, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên - Huế có cử cán bộ lên khảo sát, dự định sẽ đấu nối đường ống vào hệ thống nước tự chảy nhưng vẫn không thực hiện được do đường ống này nhỏ, sử dụng đã lâu không chịu được áp lực.
Ông Mai Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Hương Thọ - cho biết: “Vấn đề thiếu nước sinh hoạt ở địa phương không chỉ riêng khu vực thôn Định Cư mà còn những thôn khác nữa. Do Hương Thọ có địa hình cao, phân bố rải rác, xa trung tâm nên việc cấp nước rất khó khăn.
Trước mắt, cần đầu tư hệ thống bồn chứa, cải tạo hệ thống ống dẫn, để lấy nước từ sông Hữu Trạch bơm lên, lắng lọc cho bà con dùng. Còn về lâu dài, nếu đầu tư hệ thống nước máy hoàn chỉnh cần kinh phí lớn, vượt qua khả năng tài chính của địa phương”.
Minh Ngọc