Buổi tọa đàm, thảo luận tập trung vào các nội dung: Đánh giá làm rõ thêm về các giá trị của các di sản tư liệu đã được công nhận ở Việt Nam; Đề xuất kế hoạch chiến lược cho việc bảo tồn và phát huy các di sản tư liệu, đặc biệt là Châu bản triều Nguyễn; Thảo luận về phương án xây dựng hồ sơ cho các loại di sản tư liệu, đặc biệt là Hệ thống thơ ca, văn tự trên kiến trúc cung đình Nguyễn tại Huế.
Theo thống kê của Trung tâm lưu trữ quốc gia Việt Nam, đến thời điểm hiện nay có 773 tập của 11 triều đại vua nhà Nguyễn. Đây là các tài liệu hành chính “sản sinh” trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn.
Những văn bản này do các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương soạn thảo thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề chính trị, quân sự ngoại giao, văn hóa, xã hội...
Quan tâm đến tính đặc sắc của Châu bản, ThS. Nguyễn Thu Hoài đến từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I qua tham luận “Giá trị đặc sắc của Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn” nhấn mạnh: Đây là các văn thư hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền triều Nguyễn, phản ánh rõ ràng và sinh động giai đoạn lịch sử này.
Hình ảnh các Hoàng đế, bộ máy chính quyền, đời sống nhân dân hay sự hiện diện của thực dân phương Tây đều được thể hiện khách quan trên từng trang tài liệu.
Với tham luận“Tìm hiểu về tính xác thực của Châu bản triều Nguyễn qua phương thức làm việc của văn phòng nhà vua”, ThS. Phan Thuận An nhận xét: “Nhìn lại châu bản triều Nguyễn trên quan điểm sử học, chúng ta thấy loại tư liệu gốc này đã được thực hiện một cách bài bản theo một phương thức làm việc chặt chẽ, có sự liên đới chịu trách nhiệm giữa vua với các trực thần ở Nội Các cũng như với các sử thần ở Quốc Sử Quán.
Chính phương thức làm việc nghiêm cẩn của văn phòng các vua triều Nguyễn đã tạo ra được sự khả tín trong nội dung các châu bản”.
Bên cạnh đó, một số tham luận đã đề cập đến những chủ đề cụ thể lưu trữ tại các châu bản, đặc biệt là chủ đề về Hoàng Sa, Trường Sa trong Châu bản triều Nguyễn. Ở mảng chủ đề này có các tham luận như “Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa được xác lập và khẳng định qua Châu bản triều Nguyễn” của PGS. TS Đỗ Bang, tham luận “Vài tờ trong một tập Châu bản thời Bảo Đại” của ThS. Phan Thuận An.
Qua nghiên cứu về chủ đề về Hoàng Sa, Trường Sa trong Châu bản, PGS. TS Đỗ Bang nhấn mạnh: “Triều đình nhà Nguyễn đã huy động một lực lượng hùng hậu, phối hợp với quan chức địa phương và ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hàng năm thực thi công vụ Hoàng Sa như vẽ bản đồ, kiểm kê tài nguyên trên đảo, đo đạc hải trình, cắm cọc tiêu, trồng cây, dựng miếu, cắm bia chủ quyền, xây dựng hệ thống kho tàng, đồn lũy, đặt trạm thu thuế,quan trắc thiên văn và dự báo thời tiết...
Hàng năm, lực lượng thực hiện nhiệm vụ Hoàng Sa trên 6 tháng có mặt tại quần đảo này để làm nhiệm vụ khai thác kinh tế và bảo vệ chủ quyền. Những tháng bão tố, tuy không có mặt thường xuyên tại đảo nhưng những biện pháp bảo vệ chủ quyền của triều Nguyễn vẫn giữ được tính liên tục trong lịch sử”.
Riêng ThS. Nguyễn Phước Hải Trung, từ thực tiễn của di sản tư liệu Châu bản, đã hướng vấn đề đến một loại tiềm năng di sản tư liệu ở Huế, đó là Hệ thống thơ ca, văn tự trên kiến trúc cung đình Nguyễn.
ThS. Nguyễn Phước Hải Trung cho biết: “Nếu Châu bản triều Nguyễn được công nhận là “Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương” với các tiêu chí như tính độc đáo, tính xác thực; là nguồn sử liệu gốc, thể hiện sự đa dạng về chữ viết...thì Thơ văn trên kiến trúc cung đình thời Nguyễn cũng thể hiện được những đặc điểm khu biệt có giá trị nổi bật của một loại hình di sản tư liệu cực kỳ đặc sắc vì thơ trên kiến trúc là một loại hình di sản vừa có tính vật thể, vừa có tính phi vật thể rất độc đáo của Việt Nam.
Hiện nay trên các kiến trúc cung đình Huế hiện có khoảng hơn 4.000 đơn vị ô hộc chữ Hán (gọi chung là thơ văn). Thơ văn trên di tích thật sự đã trở thành một bảo tàng vật chất khổng lồ về văn học.
Còn TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế - nhấn mạnh: “Châu bản là tài liệu đề cập khá nhiều về việc xây dựng, tu bổ các công trình dưới triều Nguyễn, kể cả việc bài trí, sinh hoạt trong cung điện.
Nếu khai thác được mảng tài liệu này, thì đây cũng là một lời giải quan trọng cho các nhà quản lý, bảo tồn ở Huế. Cố đô Huế là nơi gắn liền với sự hình thành của châu bản, cũng là nơi có nhu cầu to lớn trong việc khai thác, phát huy giá trị của châu bản.
Vì vậy, việc các đơn vị quản lý và chuyên môn phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa châu bản, bằng nhiều hình thức và cách làm khác nhau về Huế để khai thác, phát huy giá trị là việc làm hết sức cần thiết và phù hợp. Và đây cũng là một phương cách hữu hiệu để tôn vinh giá trị của di sản châu bản ngay tại nơi nó được sinh ra”.