Chiều 13-11, tại TP Y-ô-kô-ha-ma, Nhật Bản, Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 (HNCC APEC 18) với chủ đề "Ðổi mới và Hành động" đã khai mạc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tại phiên họp. |
Tham dự Hội nghị có các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị.
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản N.Can nhấn mạnh, Hội nghị năm nay diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế khu vực và thế giới cũng như đối với tương lai của APEC. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, song chưa đồng đều và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, để châu Á - Thái Bình Dương duy trì vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, HNCC APEC 18 có sứ mệnh hết sức quan trọng là hoạch định chiến lược tăng trưởng mới và đưa ra những định hướng hợp tác cho APEC trong dài hạn. Với tư tưởng "Ðổi mới và Hành động", các nhà lãnh đạo APEC đang cùng nhau quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành một cộng đồng liên kết kinh tế chặt chẽ hơn, với chất lượng tăng trưởng cao và môi trường kinh tế-xã hội an toàn.
Ngay sau phát biểu ý kiến khai mạc HNCC APEC 18 của Thủ tướng Nhật Bản N.Can, các nhà lãnh đạo APEC đã có cuộc thảo luận quan trọng và sâu sắc về tình hình thế giới và khu vực cũng như việc phối hợp chính sách giữa các nền kinh tế thành viên.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cục diện kinh tế thế giới đang diễn ra những chuyển biến sâu sắc, trong đó châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động nhất với các chuỗi cung ứng được mở rộng, ứng dụng công nghệ thông tin và liên kết khu vực sâu rộng. Tuy nhiên, kinh tế thế giới và châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước nhiều thách thức như phục hồi kinh tế chưa bền vững, các vấn đề về môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt dần, biến đổi khí hậu... tác động tiêu cực tăng trưởng của các nước.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh những nỗ lực toàn cầu và khu vực trong việc xử lý các thách thức chung, đặc biệt là những quyết định của Hội nghị cấp cao LHQ về Mục tiêu Thiên niên kỷ diễn ra tháng 9 vừa qua tại Niu Oóc và Hội nghị cấp cao G-20 vừa diễn ra tại Xơ-un, Hàn Quốc.
Ngay sau phiên khai mạc, các nhà lãnh đạo APEC tiến hành phiên họp kín đầu tiên về "Duy trì tăng trưởng và thịnh vượng trong khu vực". Các nhà lãnh đạo khẳng định, để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới sau khủng hoảng kinh tế thế giới, APEC không thể tiếp tục các mô hình tăng trưởng truyền thống mà cần phải sớm định hình chiến lược tăng trưởng mới, phù hợp tình hình kinh tế đang có nhiều đổi thay, ứng phó các thách thức mới, góp phần vào việc bảo đảm tăng trưởng và liên kết kinh tế tại khu vực theo hướng bền vững, phục vụ lợi ích của mọi người dân.
Theo đó, để triển khai thỏa thuận tại HNCC APEC lần thứ 17 năm 2009, các nhà lãnh đạo nhất trí cùng nhau xây dựng "Chiến lược tăng trưởng của APEC" với năm nội hàm cơ bản là: cân bằng, đồng đều, bền vững, đổi mới và an toàn; ủng hộ tăng cường nỗ lực chung toàn cầu và vai trò điều phối kinh tế toàn cầu của G-20.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần coi trọng thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực và trong từng nền kinh tế thành viên thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu nhằm xóa bỏ dần các bất cập về chính sách và hiện thực hóa các tiềm năng tăng trưởng, mọi công dân của các nền kinh tế APEC đều có cơ hội phát triển trong nền kinh tế thị trường toàn cầu, tăng trưởng đi đôi với bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh và khuyến khích đổi mới.
Với tinh thần "Ðổi mới và Hành động", Hội nghị nhất trí cần đề ra Kế hoạch hành động để triển khai chiến lược tăng trưởng mới, gồm các biện pháp thúc đẩy hợp tác về cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực và doanh nghiệp, tăng trưởng xanh, kinh tế tri thức và an ninh con người.
Kết thúc phiên họp kín thứ nhất, đã diễn ra phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) về những vấn đề đang được các doanh nghiệp khu vực hết sức quan tâm như thực hiện các Mục tiêu Bô-go, thúc đẩy Vòng đàm phán Ðô-ha, chống chủ nghĩa bảo hộ, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện chuỗi cung ứng khu vực... Ðây là hoạt động hằng năm được các nhà lãnh đạo APEC và cộng đồng doanh nghiệp rất coi trọng.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản N.Can tổ chức chiêu đãi trọng thể chào mừng các nhà lãnh đạo APEC.
Chiều 13-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp kín thứ nhất của HNCC APEC 18. Trong khi nhấn mạnh châu Á - Thái Bình Dương, nhất là khu vực Ðông Á, tiếp tục là động lực của quá trình phục hồi và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, Chủ tịch nước chỉ rõ tăng cường phối hợp và nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vẫn là nhu cầu bức thiết và APEC cần tiếp tục nỗ lực để giải quyết hậu quả của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, đưa kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.
Chủ tịch nước cho rằng, trong Chiến lược tăng trưởng mới, vấn đề then chốt là phát triển kinh tế cần gắn liền phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó, cần lấy con người là chủ thể và trọng tâm. Chủ tịch nước đề nghị APEC cần đẩy mạnh hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên thông qua tăng cường liên kết kinh tế - thương mại - đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng và cải cách cơ cấu, gắn kết Chiến lược tăng trưởng mới với việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và các chương trình hợp tác của các thành viên ở cấp độ tiểu vùng và khu vực.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng nêu bật những thành tựu của ASEAN và những đóng góp của Hiệp hội trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Cùng ngày, bên lề HNCC APEC 18, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có các cuộc gặp với Tổng thống Pê-ru G.Pê-rét và Thủ tướng Ca-na-đa X.Ha-pơ để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm, cũng như việc tăng cường hợp tác, phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, trong đó có APEC. Các nước đều đánh giá cao sự tăng trưởng mạnh mẽ và thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ cũng như việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2010; khẳng định coi trọng vị thế quốc tế của Việt Nam và nhất trí cùng làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác và đối tác với Việt Nam, đặc biệt về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Nhân Dân