Đáng chú ý, thị trường khu vực Đông Bắc Á tăng trưởng mạnh, nhất là từ 4 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam gồm: Trung Quốc (tăng 64%), Hàn Quốc (tăng 29%), Đài Loan (Trung Quốc, tăng 22%), Nhật Bản (tăng 5%).
Khách du lịch từ Hong Kong (Trung Quốc) tăng 36% nhưng giá trị tuyệt đối còn hạn chế (gần 9.200 lượt). Khách du lịch quốc tế từ Đông Bắc Á đạt hơn 1,8 triệu lượt, chiếm 57% tổng lượng khách du lịch tế, so với 53% cùng kỳ năm 2016.
Nguyên nhân tăng trưởng đối với thị trường Trung Quốc do điểm đến Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của khách du lịch Trung Quốc, sự liên kết giữa thị trường, các hãng hàng không và điểm đến ngày càng chặt chẽ khiến việc tổ chức khai thác thị trường hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang cấm các công ty lữ hành đưa khách du lịch đến Hàn Quốc, khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan cũng có xu hướng chậm lại; đây là những điều kiện thuận lợi cho du lịch Việt Nam.
Đối với thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản, điểm đến Việt Nam ngày càng được biết đến thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá và giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa với Việt Nam, góp phần gia tăng khách du lịch đi lại nhiều lần.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khách du lịch từ Nhật Bản đến Việt Nam khó có thể đạt mức cao hơn do quy mô thị trường đã ổn định, các điều kiện thuận lợi không có sự đột biến.
Bên cạnh đó, thị trường khách du lịch châu Âu tăng trưởng mạnh, nhất là các thị trường được miễn thị thực nhập cảnh từ tháng 7/2015 và thị trường Nga.
Tổng lượng khách du lịch từ 5 nước được miễn thị thực gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia đến Việt Nam trong quý I/2017 đạt hơn 240.000 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016, là mức cao đối với thị trường xa, trong đó thị trường Tây Ban Nha tăng 23%, I-ta-li-a tăng 13%, Đức 13%, Pháp 11%, Anh 9%. Thị trường Nga, thị trường lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu cũng đạt mức tăng cao hàng đầu (61%).
Theo ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để chấn chỉnh việc đón khách Trung Quốc, đặc biệt với loại tour giá rẻ, hay còn được gọi là tour 0 đồng, mới đây, ngành du lịch đã họp bàn để phân tích những mặt tích cực, những tác hại và giải pháp để khắc phục.
Qua khảo sát, thực tế không có loại tour 0 đồng mà đây là loại hình chia nhỏ dịch vụ, đưa khách đến điểm thăm quan rồi mua lại các gói dịch vụ nhỏ lẻ nên dễ “biến tướng” theo kiểu ép khách, lừa khách mua hàng với giá cao.
Từ đó ảnh hưởng đến hình ảnh của điểm đến. Do đó, từ sự chấn chỉnh của Quảng Ninh cho thấy, nếu địa phương vào cuộc quyết liệt, đồng bộ thì sẽ chấn chỉnh những tiêu cực của loại tour giá rẻ, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm tại địa phương.