Hết thế hệ cha ông rồi tới thế hệ con cháu vẫn tiếp tục bám chiếc ghe, chiếc xuồng. Họ được gọi với cái tên thân mật: “Khách thương hồ” – cái tên nghe mỹ miều và lãng mạn, tuy nhiên cuộc sống của khách thương hồ không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Chợ nổi họp từ rất sớm, thường từ 1 - 2 giờ sáng mọi người tất bật chuẩn bị ghe xuồng di chuyển ra khu vực. Ngày xưa chủ yếu bà con trao đổi, mua bán mặt hàng nông sản. Giờ đây hầu như ở chợ nổi muốn mua gì cũng có. Cách mua bán ở chợ nổi cũng khá độc đáo: Người mua, người bán tung hứng hàng hóa một cách điêu luyện…
“Đời nào vui bằng đời thương hồ / Xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông” – Đây là câu thường hiện diện trong lòng của khách thương hồ, họ thường ngâm nga để vơi đi khó khăn, gian khổ. Ở chợ nổi không chỉ có cánh đàn ông mà có nhiều phụ nữ đảm nhiệm vai trò “đứng mũi chịu sào”, họ cũng vận chuyển hàng hóa, lái ghe đi mua bán khắp nơi…
Những giờ rảnh rỗi, những khách thương hồ hay suy tư, hướng về quê hương, ở đó họ vẫn còn người thân, họ hàng.
Hàng trăm năm qua không biết đã có bao nhiêu thế hệ gắn với chợ nổi… Cũng chính từ chợ nổi mà khách thương hồ nên duyên. Những đứa trẻ được sinh ra trên chợ nổi từ nhỏ đã được trang bị nhiều “kỹ năng sống” để có thể lớn lên mạnh khỏe trên vùng sông nước…