Hiện tại, chính quyền địa phương đang nỗ lực giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại.
Bản làng tan hoang sau lũ
Hai tuần trôi qua, kể từ khi trận lũ kinh hoàng quét qua, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn còn đó khung cảnh tan hoang, ngổn ngang bùn đất. Những ngôi nhà sàn của đồng bào nay chỉ còn là bãi đất trống cùng rất nhiều đất đá và rác bẩn.
Mặc dù tuyến đường từ thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn đã thông, nhưng lớp bùn đất trong nhà dân vẫn còn rất nhiều, phải mất nhiều thời gian, công sức mới có thể thu dọn.
Vào buổi sáng sớm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, đoàn thanh niên… lại mang theo xe rùa, cuốc, xẻng,… vào các bản giúp người dân dọn dẹp. Trước mắt, lực lượng chức năng ưu tiên dọn dẹp vệ sinh giúp các nhà neo người, số lượng bùn đất nhiều mà phương tiện, máy móc không thể tiếp cận.
Dù đã huy động tối đa lực lượng cùng máy móc, tuy nhiên khối lượng đất đá nhiều nên vẫn còn những ngôi nhà đang bị bùn đất vùi lấp, nằm lăn lóc bên khe suối. Dưới lớp bùn đất, nhiều tài sản như xe máy, chăn màn, quần áo, sách vở bị hư hỏng không còn sử dụng được nữa.
Trong khi nhiều hộ dân bị mất nhà cửa phải đến nhà người thân ở nhờ thì những ngôi nhà sàn còn nguyên vẹn được tháo dỡ, đem đi cất giữ chờ đất tái định cư, dựng nhà mới. Nhiều căn nhà tạm cũng được dựng lên để làm nơi ở tạm cho các gia đình phải di dời vì nguy cơ sạt lở đất.
Ngồi thẫn thờ trong căn nhà bị lũ cuốn trơ trọi, bà Lương Thị Hương (SN 1951, trú tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) cho biết, sống hàng chục năm bên dòng suối Huồi Giảng, bà chưa từng chứng kiến trận lũ nào kinh hoàng đến vậy.
“Đêm 1/10, trời mưa rất to, nước lũ dâng lên rồi lại rút. Không ngờ, đến sáng 2/10, lũ tiếp tục lên nhanh, cuốn trôi toàn bộ đồ đạc trong nhà. Lúc này, tôi chỉ kịp chạy lấy người, không mang theo được đồ đạc gì. Lúc trở về thì thấy căn nhà trơ mấy cột gỗ, vách cũng không còn”, bà Hương nhớ lại.
Được biết, chồng bà Hương qua đời từ lâu, các con của bà đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Nhiều năm qua, người đàn bà này sống một mình trong căn nhà gỗ cạnh dòng suối Huồi Giảng.
Trong khi đó, tuyến đường liên xã từ thị trấn Mường Xén đi xã Tây Sơn gần như bị hư hỏng hoàn toàn. Nhiều bà con ở bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) và xã Tây Sơn phải đi bộ xuống thị trấn Mường Xén để gùi đồ cứu trợ về nhà. Con đường gồ ghề sỏi đá khiến việc chuyển đồ tiếp tế thêm khó khăn.
Chị Vi Thị Thuận (SN 1990, trú tại xã Tây Sơn) cho biết, mặc dù Tây Sơn không bị ảnh hưởng bởi lũ quét, nhưng do mưa và đường bị chia cắt nên người dân phải mang gùi, đi bộ nhiều cây số để mang đồ cứu trợ về nhà.
Những ngày qua, trên dọc 2 bên đường Quốc lộ 7 từ thị trấn Mường Xén đến xã Tà Cạ, nhiều đoàn cứu trợ đã tìm đến hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lũ. Nhiều tổ chức, đoàn thể cũng đến chung tay hỗ trợ người dân tháo dỡ, di chuyển nhà cửa làm bằng gỗ ra khỏi những khu vực nguy hiểm do nguy cơ sạt lở đất.
Trước mắt, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã trích 13 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ cho huyện Kỳ Sơn khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ sinh kế, cứu đói cho người dân.
Huyện Kỳ Sơn cũng đã thành lập Ban cứu trợ tiếp nhận hàng cứu trợ nhân dân vùng bị thiệt hại do lũ quét. Chỉ hơn 10 ngày, Ban cứu trợ huyện Kỳ Sơn đã tiếp nhận được hơn 17,1 tỷ đồng từ các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm.
Căn nhà của bà Lương Thị Hương bên dòng suối Huồi Giảng. |
Mong sự sẻ chia
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, mưa lũ khiến hơn 42 nhà giáo viên trên địa bàn bị thiệt hại do lũ, tập trung chủ yếu ở Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải… Bên cạnh đó, nhà của 2 giáo viên Trường THPT Kỳ Sơn cũng bị sập, sạt lở nặng.
Ngoài ra, mưa lũ còn làm nhiều trường học bị thiệt hại, trong đó điểm trường mầm non và tiểu học bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ bị thiệt hại nặng nề nhất. Trận lũ dữ cuốn trôi nhiều đồ đạc, thiết bị, quần áo, sách vở, đồ dùng sinh hoạt của cả giáo viên và học sinh. Khi lũ rút, tất cả tài sản, đồ đạc đều bị ngập trong bùn đất.
Thầy Phan Văn Thiết - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết, đến nay, cơ bản học sinh tiểu học và phổ thông trên toàn huyện đã có thể tới trường. Tuy nhiên, nhiều giáo viên, học sinh bị mất nhà cửa do lũ đánh sập, sạt lở nặng nên phải ở tạm nhà người thân, hoặc trong trường học.
Một số em học sinh được thầy cô đón về nhà, điểm trường ở tạm, hỗ trợ quần áo mặc và lo ăn uống trong thời gian chưa có chỗ ở. Riêng điểm trường Mầm non và trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tà Cạ tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ bị thiệt hại nặng, nằm trong diện tái định cư nên học sinh tạm thời đến ở bán trú tại điểm trường chính tại bản Sơn Thành.
Hiện, phòng GD&ĐT huyện đã huy động các cán bộ, giáo viên trong ngành quyên góp, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ. Toàn ngành Giáo dục huyện đã huy động khoảng 1.500 ngày công, hơn 500 triệu đồng hỗ trợ các đơn vị, cá nhân khắc phục hậu quả mưa lũ.
“Ngành Giáo dục huyện Kỳ Sơn đang rất khó khăn, chúng tôi phải động viên cán bộ, giáo viên và học sinh nỗ lực để sớm ổn định cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Mong rằng các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm hỗ trợ các cơ sở giáo dục, các cán bộ, nhà giáo và các em học sinh khắc phục hậu quả mưa lũ”, thầy Thiết nói thêm.