Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh mới liên tục xuất hiện, bệnh cũ tái phát, di biến động dân số… tiêm chủng cần có sự đổi mới từ chất lượng vắc xin đến hình thức quản lý đối tượng tiêm để tránh tình trạng không tiêm hoặc tiêm sót.
Vẫn còn tình trạng chủ quan với dịch bệnh
Từ đầu năm đến nay, ho gà là bệnh khiến nhiều phụ huynh lo lắng bởi nó xuất hiện ở cả trẻ nhỏ, thậm chí trẻ sơ sinh chưa đủ tháng tuổi để tiêm phòng.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 226 bệnh nhi được chẩn đoán ho gà tại viện, trẻ nhỏ tuổi nhất mới 7 ngày tuổi, lớn nhất là 80 tháng. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 6 tháng tuổi, trong đó nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi chiếm tỷ lệ 37%.
Tỷ lệ trẻ chưa được tiêm phòng bệnh ho gà cao, chiếm tỷ lệ gần 90%, trong đó có 88% trẻ đến tuổi tiêm phòng nhưng chưa được tiêm. Với trẻ lớn hơn, có trẻ đã tiêm đủ 3 mũi cơ bản nhưng đáng tiếc là cha mẹ lại quên cho trẻ đi tiêm nhắc lại vào các năm tiếp theo.
Cũng như ho gà, bạch hầu là bệnh ít được nhắc đến trong thời gian gần đây nhưng lại có xu hướng trở lại. Đầu năm nay, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của 2 học sinh ở Tây Giang (Quảng Nam).
Ghi nhận của ngành Y tế địa phương cho thấy, 5 học sinh Trường THPT Tây Giang nhiễm bệnh với các triệu chứng sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó.
Dù được đưa đi viện nhưng 2 ca nặng đã tử vong. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã vệ sinh môi trường khống chế dịch, toàn bộ học sinh, giáo viên của trường đã được tiêm vắc xin.
Những trường hợp tử vong do ho gà, bạch hầu từ đầu năm đến nay là điều đáng tiếc bởi vắc xin ngừa bệnh có từ lâu. Bệnh cũng đã được khống chế nên đây là vấn đề đáng lưu tâm với các bậc phụ huynh trong việc phòng bệnh cho trẻ.
Làm mới công tác tiêm chủng
Lâu nay, người dân vẫn quen với việc lịch tiêm chủng miễn phí được thông báo trên loa phát thanh của phường. Do vậy dẫn đến tình trạng người nghe được thông tin, người không và nghe rồi có người nhớ đưa con đi, người quên mất.
Hơn nữa, các mũi tiêm của trẻ được ghi vào sổ giấy nên nếu xảy ra việc mất sổ thì cha mẹ không nhớ trẻ đã tiêm những loại vắc xin nào, số mũi ra sao.
Không chỉ bất tiện, sổ tiêm chủng bằng giấy còn gây tốn kém. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, mỗi năm thành phố chi khoảng 600 triệu để in sổ với hàng ngàn ngày công. Đây là lý do Bộ Y tế quyết định triển khai sổ tiêm chủng điện tử trên 17.000 điểm tiêm trong toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ: Hệ thống này đem lại nhiều lợi ích cho người dân như có thể đăng ký tiêm, hẹn lịch tiêm, tra cứu lịch sử tiêm. Nhờ hệ thống này, các tin nhắn cũng sẽ được gửi đến phụ huynh khi ngày tiêm của trẻ đến gần.
Điểm đặc biệt là các thông tin phản ứng sau tiêm, mũi tiêm còn sót liên tục được cập nhật, giúp bác sĩ chủ động, cẩn thận hơn trong việc khám sàng lọc, theo dõi trẻ sau tiêm.
Còn về lâu dài, hệ thống tiêm chủng điện tử cũng tiết kiệm thời gian, chi phí cho cán bộ y tế, theo dõi được tỷ lệ tiêm chủng ở nơi khó khăn nhất, từ đó có sự điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp.
Thực tế, hồ sơ tiêm chủng điện tử không mới. Các điểm tiêm chủng tư nhân đã thực hiện từ lâu. Tại đây, cha mẹ sẽ nhận được tin nhắn nhắc ngày, giờ, mũi tiêm để đưa con đến tiêm chủng.
Nghe tư vấn trước và sau tiêm (khi trẻ đã về nhà), đặc biệt việc quản lý hồ sơ quá trình tiêm của trẻ giúp bác sĩ biết rõ tiền sử bệnh, phản ứng với vắc xin để khám sàng lọc kỹ hơn, lưu ý nhân viên y tế khi tiêm cũng như việc theo dõi trẻ sau tiêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, ngoài việc quản lý được đối tượng tiêm chủng, ngành Y tế còn đánh giá được tỷ lệ tiêm ở từng địa phương để từ đó có dự báo, dự trù vắc xin cũng như mô hình bệnh tật có thể xảy ra, đốc thúc y tế địa phương trong công tác tiêm chủng…
- Từ 1/6/2017, 17.000 cơ sở tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành sử dụng hệ thống quản lý tiêm chủng điện tử. Đến tháng 6/2018 sẽ không sử dụng sổ theo dõi tiêm chủng bằng giấy trên toàn quốc.