Kết thúc xét tuyển ĐH, CĐ đợt 2: Nhiều trường đã đủ chỉ tiêu

GD&TĐ - Ngày 7/9 là ngày cuối cùng xét tuyển ĐH, CĐ đợt 2 của kỳ tuyển sinh 2015. Ghi nhận tại nhiều trường ĐH - CĐ tốp giữa xây dựng được thương hiệu cho thấy, khá nhiều trường tại TPHCM đã hoàn thành chỉ tiêu xét tuyển.

Kết thúc xét tuyển ĐH, CĐ đợt 2: Nhiều trường đã đủ chỉ tiêu

Tuy vẫn còn nhiều trường thiếu chỉ tiêu ở một số ngành, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia xét tuyển, với nguồn tuyển đa dạng và dồi dào, các trường sẽ tuyển đủ trong đợt xét tuyển sắp tới. 

Nguồn tuyển dồi dào, các trường thoải mái

Cho đến chiều 7/9, Trường ĐH Hoa Sen vẫn tiếp tục đón một lượng thí sinh về trường nộp hồ sơ xét tuyển. Theo Th.S Hoàng Đức Bình - Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, thì với số lượng hồ sơ tính đến thời điểm này, ĐH Hoa Sen cơ bản là tuyển gần đủ chỉ tiêu (khoảng 700/800 chỉ tiêu).

Duy chỉ có nhóm ngành KHCN và Thiết kế vẫn còn thiếu ít chỉ tiêu nên có thể trường sẽ tiếp tục xét tuyển đợt tới.

ThS Bình chia sẻ: “Có thể do trường có mức điểm xét tuyển các nhóm ngành cao hơn với các trường tốp giữa từ 1 - 2 điểm nên thiếu hụt một ít chỉ tiêu khối ngành KHCN và Thiết kế, nếu từ giờ đến cuối ngày không có gì đột biến, trường sẽ xét tuyển tiếp đợt 3 chứ không hạ điểm nhằm đảm bảo nguồn tuyển đầu vào chất lượng cho trường”.

Nằm trong nhóm trường đã hoàn thành chỉ tiêu trong đợt xét tuyển lần này, Trường ĐH Văn Hiến (TPHCM) đã tuyển đủ hơn 2.500 chỉ tiêu của trường với số điểm đầu vào khá tốt.

Chia sẻ với chúng tôi, một cán bộ phòng tuyển sinh cho biết: Trường ĐH Văn Hiến với thế mạnh là các nhóm ngành KHXH, Du lịch & Lữ hành nên khi tiến hành xét tuyển, số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ khá đông. Ngay cả khi đã tuyển đủ chỉ tiêu thì ngày cuối cùng trường vẫn tiếp nhận thêm một số lượng hồ sơ thí sinh nộp về.

Trong đợt xét tuyển lần này, Hutech cũng đã sớm hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh của mình ngay từ ngày hôm qua.

Theo Th.S Nguyễn Quốc Anh - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông, đến thời điểm này trường đã nhận được gần 5.000 hồ sơ.

Trường sẽ gọi nhập học 3.150 chỉ tiêu nên điểm chuẩn trúng tuyển dự kiến của trường thấp nhất sẽ là 16, cao nhất là 18 điểm tùy
theo nhóm, khối ngành.

“Năm nay nguồn tuyển khá dồi dào, trong ngày cuối cùng xét tuyển ĐH, CĐ đợt 2, trường vẫn nhận được trên 300 hồ sơ nộp về. Trường dự kiến sẽ xét từ trên cao xuống cho đến khi nào đủ chỉ tiêu thì dừng. Như vậy có khoảng 1.800 thí sinh không trúng tuyển vào trường”- ThS Quốc Anh nói.

Tuy đã tuyển đủ và dư chỉ tiêu xét tuyển, nhưng không ít trường vẫn tỏ ra lo lắng khi thí sinh có quá nhiều lựa chọn trong đợt xét tuyển này.

ThS Nguyễn Thanh Tùng - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TPHCM cho biết: Dù số hồ sơ nộp vào hiện nay đã vượt xa chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung của trường nhưng vẫn lo không đủ người học vì thí sinh ảo.

Vẫn còn nhiều chỉ tiêu cho thí sinh

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi THPT quốc gia 2015 có hơn 630.000 thí sinh có kết quả thi đạt từ 12 điểm trở lên. Kết thúc đợt xét tuyển lần 1, có hơn 370.000 thí sinh trúng tuyển ĐH. Như vậy, còn hơn 260.000 thí sinh đạt từ điểm sàn CĐ trở lên. Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn tuyển còn rất dồi dào tại các trường.

Ghi nhận tại các trường ở đợt xét tuyển lần 2 này cho thấy, lượng thí sinh chủ yếu tập trung nhiều vào nhóm ngành kinh tế.

Đơn cử như Trường ĐH Hoa Sen nhận được hơn 60% lượng hồ sơ so với chỉ tiêu của trường. Hoặc nhóm ngành dịch vụ, tài chính, xã hội… điển hình là Trường ĐH Văn Hiến với 60% chỉ tiêu thuộc khối xã hội, dịch vụ và du lịch lữ hành. Do đó, nguồn tuyển ở đợt xét tuyển tới thí sinh vẫn còn cơ hội rất lớn ở các nhóm ngành KHCN, y tế,

Theo thông tin từ phòng tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tính đến cuối giờ chiều 7/9, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
tiếp nhận hơn 1.900 hồ sơ cho tất cả ngành, trong khi chỉ tiêu của trường là 3.400 chỉ tiêu.

Vì vậy chắc chắn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ tiếp tục xét tuyển trong đợt tới. Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định đến thời điểm gần cuối ngày 7/9 cũng đã nhận được hơn 400 hồ sơ trên tổng số 900 chỉ tiêu của nhà trường. Do đó, trường sẽ tiếp tục xét tuyển với gần 500 chỉ tiêu các nhóm ngành.

Trong khi đó, ở nhiều trường ĐH địa phương hay các trường CĐ tình hình tuyển sinh năm nay có chút ít biến động. Thí sinh vẫn chưa “mặn mà” nộp hồ sơ về.

ThS Lâm Thành Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) - cho hay: Số thí sinh nộp hồ sơ lai rai trải đều các ngày, hy vọng những ngày cuối sẽ đông hơn.

Đến nay, trường tuyển được khoảng 60 - 70% cho cả nguyện vọng 1 và nguyện vọng bổ sung. Trường không dám đặt mục tiêu sẽ tuyển đủ nhưng nếu tuyển gần đủ chỉ tiêu thì cũng đã xem như thành công.

Hiện tại, Trường CĐ Bách Việt đến thời điểm này đã nhận được hơn 1.200 hồ sơ so với 2.400 chỉ tiêu trong đợt 2. Thế nhưng số thí sinh chỉ tập trung đông ở một số ngành như: Dược, điều dưỡng, công nghệ thực phẩm, quản trị khách sạn nhà hàng, quan hệ công chúng.

Tương tự, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn đến thời điểm gần cuối ngày mới có trên 200 hồ sơ/1.000 chỉ tiêu nộp về. Do đó, số lượng chỉ tiêu vào các ngành nghề tại các trường vẫn là không nhỏ.

Về hiện tượng một số trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu, ThS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn phân tích: “Có thể thí sinh vẫn còn đang đắn đo và lựa chọn một ngành học phù hợp nhất cho mình nên chưa vội nộp hồ sơ xét tuyển trong đợt này.

Hoặc có thể các em vẫn hy vọng “chen chân” vào các trường
ĐH tốp trên còn ít chỉ tiêu tuyển thêm nên các em đang chờ đợi. Các em có quá nhiều lựa chọn cho đợt xét tuyển lần này vào các trường ĐH nên không còn cách nào khác là chúng tôi phải chờ thí sinh ở đợt xét tuyển sắp tới”.

Trong ngày cuối cùng xét tuyển ĐH, CĐ đợt 2, vẫn có nhiều thí sinh đến Đại học Đà Nẵng xin rút hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 để thay đổi ngành, trường xét tuyển.

Theo ThS Nguyễn Văn Lành – Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường CĐ Công nghệ - ĐH Đà Nẵng), trong thời gian đăng ký xét tuyển
đợt 1 và 2, có rất nhiều thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH trên cả nước gọi điện đến xin thay đổi nguyện vọng xuống học bậc cao đẳng ở Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng), hay như nhiều tân sinh viên đến nhập học xin thay đổi nguyện vọng ngành học.

Tuy nhiên, tất cả các nguyện vọng này của thí sinh đều không thực hiện được vì trái với nội dung quy định xét tuyển của Bộ GD&ĐT.

Ông Nguyễn Văn Lành nhìn nhận: “Từ thực tế này cho thấy khả năng nhận thức của thí sinh và phụ huynh còn hạn chế, lúng túng và thiếu định hướng trong việc chọn ngành, chọn trường để học.

Đa số các em đều có suy nghĩ là mục đích làm sao để đỗ vào ĐH chứ không hề nghĩ ngành học, bậc học, trường học nào phù hợp với mình, khả năng tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ