Xóa phòng học tạm từ xã hội hóa giáo dục

GD&TĐ - Những năm gần đây, công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông đã góp phần không nhỏ trong việc xóa các phòng học tạm, nâng cao chất lượng giáo dục.

Ảnh internet
Ảnh internet

Trường Mầm non Hòa Bình là cơ sở mầm non duy nhất tại xã biên giới Thuận An, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông. Trường có 550 cháu, trong đó 32% là con em đồng bào dân tộc Mnông. Đây là một trong những trường có số học sinh đông và thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Trước đây cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn, các phòng học tạm bợ, không có đồ dùng học tập và khu vui chơi… Để xóa các phòng học tạm, nhà trường đã phối hợp chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh huy động người dân và doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia công tác xã hội hóa giáo dục.

Với phương châm, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, nhờ đó hàng năm, nhà trường đã thu được 170 triệu đồng từ các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện và người dân trên địa bàn.

Bà Ngô Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Bình, huyện Đăk Mil cho biết: Từ nguồn hỗ trợ này, Trường Mầm non Hòa Bình đã bê tông hóa sân chơi, tường rào, cổng trường, mái che và mua sắm thiết bị dạy học với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng. Hiện nay nhà trường đã bảo đảm về cơ sở vật chất, không còn phòng học tạm hay phòng mượn” - bà Ngô Thị Hồng nói.

“Năm năm gần đây, nhờ công tác xã hội hóa giáo dục, cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư khang trang, các bậc phụ huynh ai cũng phấn khởi vui mừng không còn nỗi lo lắng mỗi ngày con tới trường. Có đồ dùng và đồ chơi nhiều cháu học sinh rất thích, công tác giảng dạy của chúng em cũng thuận lợi hơn”, cô Phạm Thị Ngọc Năm - giáo viên Trường Mầm non Hòa Bình, huyện Đăk Mil nói.

Những năm học trước, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, huyện Đăk Mil, chỉ có mấy phòng học tạm, không có tường rào, sân chơi, bàn ghế, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn. Mấy năm gần đây, nhờ công tác xã hội hóa giáo dục, nhà trường đã được đầu tư xây dựng mới nhiều phòng học khang trang; tu sửa khuôn viên sân trường; hệ thống trang thiết bị dạy và học được bảo đảm.

Thầy Hoàng Hữu Sỹ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, huyện Đăk Mil cho biết: “Nhờ công tác xã hội hóa giáo dục, trường cũng được đầu tư hàng trăm triệu để tu sửa nhiều hạng mục công trình như: Sân chơi, hàng rào, khuôn viên sân trường, nhà vệ sinh sạch đẹp, các em đi học chuyên cần hơn, thầy cô yêu trường lớp hơn, nhờ đó chất lượng dạy và học nâng cao. Số học sinh các năm học không ngừng tăng cao” - thầy Hoàng Hữu Sỹ nói.

“Hàng năm số tiền thu từ công tác xã hội hóa giáo dục đều được các nhà trường và hội cha mẹ học sinh công khai rõ ràng, minh bạch nên phụ huynh chúng tôi rất an tâm. Thấy trường lớp ngày càng khang trang, sạch đẹp, chúng tôi càng có ý thức và trách nhiệm cao đối với công tác xã hội hóa giáo dục của huyện nhà”, ông Đồng Văn Hà, xã Thuận An, huyện Đăk Mil nói.

Đến nay, 100% phòng học ở huyện Đăk Mil bị xuống cấp đã được sửa chữa; hệ thống sân, vườn… được đầu tư xây dựng, đáp ứng tiêu chí “xanh, sạch, đẹp”… Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Mil cho biết: “Toàn huyện hiện có 63 trường học với gần 29.000 học sinh các cấp. Công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học.

Nhờ sự góp sức công tác xã hội hóa giáo dục mà ngành Giáo dục huyện Đăl Mil đã có 26 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% phòng học được kiên cố hóa, các phòng học tạm đã được xóa bỏ” - bà Nguyễn Thị Bích Thủy nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ