Ngày đầu đến lớp: Trẻ tự tin khi có cha mẹ đồng hành

GD&TĐ - Lo lắng khi con chuẩn bị đi học mầm non là tâm lý chung của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục cho rằng, cha mẹ có thể yên tâm nếu có những bước chuẩn bị cơ bản cùng con.

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng ngày đầu đưa con tới trường. Ảnh: Lê Hùng
Nhiều bậc phụ huynh lo lắng ngày đầu đưa con tới trường. Ảnh: Lê Hùng

Cha mẹ lo lắng

Anh Nguyễn Văn Đạt (Thanh Trì – Hà Nội) tâm sự: Gia đình chuẩn bị cho con gái 2 tuổi đi học mầm non. Tuy nhiên, giống như tâm trạng của các phụ huynh khác, vợ chồng anh rất lo lắng vì không biết con sẽ thích ứng với môi trường mới như thế nào. “Từ khi sinh ra, con luôn ở cạnh người thân, chưa xa gia đình bao giờ. Tôi lo lắng, không biết phải làm tư tưởng cho con ra sao”, anh Đạt tâm sự.

Chị Hoàng Vân (Hai Bà Trưng – Hà Nội) chia sẻ: “Nghĩ đến cảnh ngày đầu đến lớp, con gào khóc nhìn theo bố mẹ ra về, khiến tôi không khỏi bối rối. Có lẽ, giai đoạn sắp tới sẽ rất khó khăn của hai vợ chồng và con”.

Nhớ lại những ngày mới đưa con tới trường, chị Nguyễn Thị Luyến (Cầu Giấy – Hà Nội) kể: Khi con trai được hơn 1 tuổi, hai vợ chồng quyết định gửi con vào trường mầm non tư thục trên địa bàn. Sau khi tham khảo kinh nghiệm từ những phụ huynh khác, trong tuần đầu, mỗi ngày chị dành 2 – 3 giờ đưa con tới lớp, làm quen với cô giáo và các bạn. Nhờ vậy, khi nhập học chính thức, con trai chị không còn tâm lý e sợ, lạ lẫm khi xa bố mẹ.

“Cha mẹ nên dành thời gian để con thích nghi với môi trường mới trong sự yên tâm có người thân bên cạnh. Như vậy, trẻ nhanh quen với cô, bạn mới, không khí trường lớp”, chị Luyến nói.

Theo kinh nghiệm của anh Hoàng Công Minh (Hoài Đức – Hà Nội): Nếu gia đình có thói quen ăn, ngủ không đúng giờ sẽ ảnh hưởng tới “đồng hồ sinh học” của trẻ. Đến tuổi đi học, trẻ dễ bị “sốc” do thay đổi môi trường, giờ giấc sinh hoạt. Vì thế, phụ huynh nên sắp xếp thời gian, công việc cho hợp lý và chú trọng giờ giấc sinh hoạt cho trẻ. Ngoài ra, cần cho con làm quen với cách sống tự lập, để sau này trẻ dễ thích nghi khi không có bố mẹ ở bên.

“Ví dụ, lúc ngủ, hãy để cho trẻ có không gian riêng, tránh ôm ấp quá mức. Vì điều này hại về mặt hô hấp, vừa tạo thói quen không tốt cho trẻ. Lâu dài, con sẽ có cảm giác không thể thiếu nếu phải xa bố mẹ”, anh Minh chia sẻ.

Ngoài tâm trạng lo lắng chung, anh Lê Hồng Quân (Gia Lâm – Hà Nội) cho biết: Cho con đi học trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay cũng là điều trăn trở của gia đình. Bởi, ở trường con sẽ tiếp xúc với nhiều bạn bè, GV trong một không gian hẹp, không bảo đảm về khoảng cách. Do vậy, “từ khi có dịch, tôi mua một lọ sát khuẩn tay và làm mẫu cho con, tạo thói quen, để sau này khi tới lớp sẽ chủ động thực hiện…”.

Cha mẹ cần cho con làm quen với trường lớp trước khi nhập học chính thức. Ảnh: Lê Hùng
Cha mẹ cần cho con làm quen với trường lớp trước khi nhập học chính thức. Ảnh: Lê Hùng

Cô là mẹ - trẻ nhanh quen

Cô Trần Thu Hương – Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Tuấn Linh (Hoàng Mai – Hà Nội) cho rằng: Trẻ nhỏ từ 1 - 1,5 tuổi dễ thích nghi với môi trường mới hơn so với trẻ 3 tuổi. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng, sợ con còn nhỏ sẽ quấy khóc nhưng thực tế, trẻ ở lứa tuổi này dễ bị cuốn hút bởi đồ chơi và ngoại cảnh, nhanh chóng quên sự vắng mặt của cha mẹ.

“Tất nhiên, giáo viên sẽ vất vả với trẻ ở tuổi này, phải dành thời gian chăm sóc nhiều hơn. Điều quan trọng hơn cả, cô giáo cần cho trẻ cảm nhận được ở trường lớp như ở nhà, giáo viên như người mẹ thứ 2, từ đó giúp các con sẽ sớm hòa nhập”, cô Hương cho hay.

Cũng theo cô Hương, khi tiếp nhận trẻ, nhà trường sẽ phát cho phụ huynh phiếu điền các thông tin về đặc điểm, sở thích của con để tiện chăm sóc. Đặc biệt, với trẻ mới theo học, trường sẽ bố trí giáo viên có kinh nghiệm để chăm sóc.

Cô Đỗ Thị Huyền Thúy – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thông tin: Nhà trường thường gửi các hình ảnh sinh động, cho trẻ xem trước ở nhà. Điều này giúp trẻ làm quen dần với khung cảnh sinh hoạt ở trường, tạo cảm giác quen thuộc.

“Đối với trẻ từ 24 – 36 tháng tuổi, quan trọng nhất là giao lưu xúc cảm, tình cảm bằng cách ôm ấp, trò chuyện, giúp các con không bỡ ngỡ”, cô Thúy nói.

Theo TS Vũ Thu Hương - nguyên giiảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trẻ cần được dạy các kỹ năng sống tự lập ngay từ nhỏ, ở từng độ tuổi, mức độ sẽ khác nhau. Cha mẹ là người hướng dẫn, làm mẫu cho con làm theo.

Từ việc tự xúc ăn, vệ sinh cá nhân, thay quần áo đến cách nói chuyện… bố mẹ đều có thể tập cho con từ sớm. Trước khi đi học, phụ huynh nên kể cho con về trường lớp, đồ chơi, bạn bè, để trẻ cảm nhận được đó là nơi hấp dẫn, hứa hẹn nhiều điều tuyệt vời. Việc đi học đối với trẻ lúc này không là điều đáng sợ, thay vào đó là tâm lý mong đợi ngày đến trường.

Sau đó, phụ huynh nên dành thời gian cho con tới làm quen với khung cảnh, bạn học và cô giáo ở trường trước. Từ đó, xây dựng mối quan hệ thân thiết, tạo cảm giác cho trẻ như đang ở gia đình.

“Đặc biệt, phụ huynh cần giữ đúng lời hẹn như: Giờ giấc đón trẻ, mua đồ chơi thích nhất… Quãng đường từ trường về nhà, có thể gợi ý bằng một vài câu hỏi để trẻ kể chuyện trên lớp. Dành những lời khen đúng lúc, để con hào hứng cho buổi học tiếp theo”, TS Hương lưu ý.

Đón trẻ trong bối cảnh dịch bệnh, cô  Lưu Thị Phương Loan – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Dương Quang (Gia Lâm – Hà Nội) cho biết: Ở nhà, trẻ thường được phụ huynh cho xem tivi, điện thoại… Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, ảnh hưởng của dịch bệnh, trẻ không có nhiều cơ hội giao tiếp với bên ngoài. Do đó, trong tuần đầu, trường sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi để trẻ làm quen với bạn và môi trường mới. Nhiều hoạt động giáo viên mời cả phụ huynh tham gia. Ngoài ra, nhà trường bố trí giáo viên có kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm tốt, hiểu biết về tâm lý để đón trẻ, tạo cảm giác cô giáo chính là người mẹ thứ 2.

Giáo viên của trường đã được tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19. Ngoài biện pháp như phân luồng, khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay…, trường khuyến khích phụ huynh chuẩn bị nước uống cho con từ ở nhà, hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. Với trẻ lần đầu tiên đến trường, sau khi tiếp nhận hồ sơ, phân lớp, trường sẽ giao giáo viên liên hệ cha mẹ hoặc gửi link để gia đình tham khảo hoạt động trên lớp để trẻ làm quen, dạy trẻ một số kỹ năng cần có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.