(GD&TĐ)-Văn phòng Chính phủ vừa công bố công văn số 131/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực về Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 và xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng.
Trường THCS Lê Ngọc Hân. Ảnh: gdtd.vn |
Thủ tướng nhận định, Chiến lược phát triển giáo dục 10 năm qua (2001-2010) đã được triển khai hiệu quả, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển giáo dục giai đoạn đến 2010, góp phần tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 16% năm 2001 lên gần 40% vào năm 2010 (với 10% trình độ ĐH, CĐ và 30% đào tạo nghề các trình độ). Bên cạnh những thành tích, kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng nhất trí với đánh giá trong hai dự thảo Chiến lược về những tồn tại, yếu kém, bất cập, làm cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện Chiến lược phát triển giáo dục và Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó, lưu ý cần quán triệt sâu sắc cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, kết hợp với cập nhật thực tế, cố gắng tối đa việc định lượng, tiêu chuẩn hóa để định hướng, làm cơ sở cho việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, phải đảm bảo sự đồng bộ, gắn kết, liên thông giữa Chiến lược phát triển giáo dục và Chiến lược phát triển dạy nghề.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc quyết định mức phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo trong dự thảo Chiến lược cần xác định rõ: trước hết tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư và phấn đấu từng bước tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đất nước.
Đối với việc lựa chọn khâu đột phá trong Chiến lược phát triển giáo dục, Thủ tướng lưu ý cần tập trung vào hai khâu then chốt là đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ, cơ bản công tác quản lý nhà nước, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để bảo đảm thực hiện thành công việc đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Lập Phương