Mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị phải coi công tác thi đua, khen thưởng là động lực cách mạng to lớn để thực hiện nhiệm vụ chính trị và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới |
Đạt được nhiều kết quả, song cũng còn một số hạn chế
Ban Bí thư nhận định, thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước đã được triển khai với nội dung, tiêu chí, hình thức phát động thi đua từng bước được đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của từng Bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua yêu nước đã gắn với việc triển khai cuộc vận động. Đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, được các cấp khen thưởng.
Việc bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến có bước chuyển tích cực. Những tiến bộ đó đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội.
Tuy nhiên, Kết luận của Ban Bí thư cũng nêu rằng phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém như nhiều cấp uỷ, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, làm hạn chế động lực thi đua.
"Một số tập thể, cá nhân chưa có thành tích tiêu biểu xuất sắc, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nội bộ thiếu đoàn kết, thống nhất đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét kết luận, nhưng vẫn được đề nghị khen thưởng, có những trường hợp khi tổ chức khen thưởng đã gây phản cảm, bức xúc trong dư luận. Khen thưởng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều, ít khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất", Kết luận ghi.
... và 5 nhiệm vụ trong thời gian tới
Để khắc phục tình trạng trên, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt 5 chủ trương, nhiệm vụ chủ yếu.
Thứ nhất, là cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Đó là làm cho mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị phải coi công tác thi đua, khen thưởng là động lực cách mạng to lớn để thực hiện nhiệm vụ chính trị và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, làm tốt nhiệm vụ hàng ngày của mình, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng của công tác thi đua".
Nhiệm vụ thứ 2 là về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo tập trung thống nhất chặt chẽ, toàn diện công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương phát động, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.
"Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng của công tác thi đua". - Chủ tịch Hồ Chí Minh - |
Thứ 3 là đối với công tác khen thưởng, chính thông qua các phong trào thi đua, phát hiện những nhân tố điển hình để biểu dương, khen thưởng kịp thời; đồng thời nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ khen thưởng, bảo đảm việc tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân được chính xác, có tác dụng nêu gương, giáo dục và có sức lan tỏa trong cơ quan, đơn vị.
Thứ 4, về tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng, Ban Bí thư nêu rõ nhiệm vụ cần đổi mới, sắp xếp cơ quan quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng các cấp theo hướng tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Và nhiệm vụ thứ 5 là trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và căn cứ nội dung Kết luận này của Ban Bí thư, đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng, bảo đảm Luật được sửa đổi, bổ sung có tính khả thi cao.
Theo Chinhphu.vn