Iran trong vòng xoáy quyền lực

Iran trong vòng xoáy quyền lực

(GD&TĐ) - Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)- tổ chức mà phương Tây gọi là đối thủ chiến lược của họ ở thế kỷ XXI vừa kết thúc tại thủ đô Bishkek (Kyrgyzstan). Trong bối cảnh những lo ngại về an ninh ngày một gia tăng, sự hiện diện của Iran là điểm nhấn quan trọng của hội nghị. Tuy nhiên, những tín hiệu mới từ Washington cho thấy Mỹ đang có ý định cải thiện quan hệ với Iran - mối quan hệ đã bị đóng băng từ hơn 30 năm trước.

SCO không thể thiếu Iran

Tổ chức kinh tế - chính trị SCO đang ngày một lớn mạnh và trở thành đối thủ chiến lược của phương Tây. Để củng cố vị thế và sức mạnh của mình, SCO rất cần những thành viên dạng như Iran. Về phía mình, Tehran cũng không thể đơn thương độc mã tiến hành chương trình hạt nhân gây tranh cãi trong một thế giới đầy biến động như hiện nay.

Điều hết sức thú vị là trong cùng một thời điểm, khi Tổng thống Pháp Francois Holland triệu tập các ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Jordan tại Paris nhằm củng cố nhóm các nước ủng hộ phe đối lập ở Syria thì Tổng thống Iran Hassan Rouhani lên đường đến Bishkek.

Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Rouhani kể từ khi nhậm chức Tổng thống Iran. Với tư cách là cường quốc khu vực, Iran rất cần tới sự ủng hộ của các nước thành viên SCO như Nga và Trung Quốc trong việc ngăn chặn cuộc tấn công của phương Tây vào Syria - đồng minh thân cận của họ. Thời gian gần đây Tehran tích cực tham gia vào công việc hòa giải cho xung đột ở Nagorno - Karabakh và Tajikistan. Dầu của Iran đang chiếm tới 20% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. Tehran đang là khách hàng lớn của Nga trong lĩnh vực xây dựng nhà máy điện, mua vũ khí…

Điều quan trọng rằng Tổng thống Nga V.Putin là một trong những người ủng hộ tích cực chương trình hạt nhân của Iran. “Iran cũng như bất cứ nước nào đều có quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bao gồm cả hoạt động làm giàu (uranium)” - V.Putin nói.

Theo báo “Kommersant”, rất có thể trong thời gian tới V.Putin sẽ tìm cách hạn chế các đòn trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran. Trước thềm cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Nga là nguyên thủ quốc gia đầu tiên có cuộc đàm đạo với Hassan Rouhani. Tại cuộc gặp này, V.Putin cố xoa dịu những căng thẳng giữa hai nước sau vụ khiếu kiện mua bán tên lửa S-300 và mở ra một tương lai mới trong quan hệ giữa hai nước. Theo “Kommersant”, khả năng Nga cung cấp tên lửa hiện đại S-300 cho Iran sẽ được thực hiện trong nay mai. Tóm lại, SCO muốn lôi kéo Iran và nước này cũng cần đến sự trợ giúp của tổ chức ngày một lớn mạnh nay. Họ không thể thiếu nhau. 

Hassan Rouhani và V.Putin trong cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh SCO tại Bishkek
Hassan Rouhani và V.Putin trong cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh SCO tại Bishkek
 

Và những tín hiệu từ Washington

Cắt đứt quan hệ ngoại giao từ năm 1980, giờ đây Washington và Tehran đang có những bước đi đầu tiên trên con đường xích lại gần nhau. Đặc biệt, khi ông Hassan Rouhani - một giáo chủ theo trường phái ôn hòa lên nắm quyền, hy vọng hòa giải Mỹ -  Iran lại được nhen lên. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC (Mỹ) cách đây chưa lâu, Tổng thống Barack Obama cho rằng, giải quyết khủng hoảng Syria và Iran nên sử dụng sách lược ngoại giao theo kiểu “cây gậy và củ cà rốt”. “Nếu chúng ta có sức mạnh đe doạ đáng tin cậy kết hợp với những nỗ lực ngoại giao có thể cho phép chúng ta đạt được thoả thuận” - Barack Obama nói.

Tổng thống Mỹ kêu gọi mọi người không được phép quên rằng trong kho vũ khí của Mỹ, ngoài “cây gậy” còn có “củ cà rốt”. Theo Barack Obama, chương trình hạt nhân của Iran là vấn đề lớn hơn nhiều so với khủng hoảng ở Syria. Chính vì vậy, Mỹ sẽ tập trung giải quyết vấn đề Iran trong tương lai gần.

Ngày 15/9, hãng ABC New đưa tin rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã viết thư cho Tổng thống Iran Hassan Rouhani trao đổi về vấn đề vũ khí hoá học của Syria. Theo Barack Obama thì người Iran “không nên rút ra bài học nếu Mỹ không tấn công Syria thì cũng sẽ không tấn công Iran”.

Ngày thứ ba (17/9), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 68 đã chính thức khai mạc tại New York. Điều hết sức thú vị là Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Hassan Rouhani cùng phát biểu trước Đại hội đồng trong một ngày theo dự kiến. Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng sẽ không có cuộc khẩu chiến Mỹ - Iran như những năm trước. Điều đáng nói là Tổng thống Mỹ và Tổng thống Iran có kế hoạch gặp nhau trực tiếp bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chấm dứt 36 năm lãnh đạo hai nước không nhìn mặt nhau. 

Không chỉ có Mỹ, Anh cũng đã có những bước xúc tiến trong việc nối lại quan hệ ngoại giao với Iran. Người Anh đã có sáng kiến để Ngoại trưởng William Hague và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cùng Tổng thống Hassan Rouhani có cuộc đàm đạo trực tiếp tại New York.

Như vậy, ngoài thiết lập quan hệ chặt chẽ với SCO, Tehran sẵn sàng cải thiện quan hệ với phương Tây, đặc biệt với Mỹ. Điều quan trọng rằng Hassan Rouhani phải có phép màu kỳ diệu mới có thể mở ra một con đường phát triển cho Iran trong thế cân bằng giữa hai thế lực có vai trò quan trọng trong thế giới hiện đại.

Anh Phương  (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ