Iran làm gì nếu “thỏa thuận hạt nhân” đổ vỡ ?

GD&TĐ - Thỏa thuận hạt nhân Iran đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi Mỹ đòi xem xét lại và đặt ra hạn chót áp đặt trừng phạt trở lại. Đáp lại, Iran cũng có những bước đi chuẩn bị cho kịch bản tiêu cực nhất.

Iran làm gì nếu “thỏa thuận hạt nhân” đổ vỡ ?

Mỹ đảo ngược chính sách

Thỏa thuận hạt nhân Iran, hay cụ thể là Kế hoạch hành động chung toàn diện, đạt được năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức) tạo khuôn khổ cho các hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lại nhận được sự dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên Tổng thống Donald Trump sau khi lên nắm quyền đầu năm ngoái bất ngờ đảo ngược chính sách của Tổng thống tiền nhiệm Obama. Ông Trump gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất” mà nước Mỹ từng tham gia ký kết, đồng thời ban “tối hậu thư” cho các đối tác trong Liên minh châu Âu phải sửa chữa văn kiện này trước ngày 12/5, nếu không Mỹ sẽ từ chối gia hạn nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Trước diễn biến trên, chính quyền Iran tuyên bố không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào ngoài Kế hoạch hành động chung toàn diện và cũng không chấp nhận thay đổi thỏa thuận này vào thời điểm hiện tại cũng như tương lai.

Các đối tác của Mỹ cũng rơi vào tình thế bị động và muốn giải quyết vấn đề bằng các hành động gián tiếp thay vì “động” tới thỏa thuận hạt nhân mà đã phải rất khó đàm phán để có thể kí kết này.

Hồi giữa tháng 3 vừa qua, Pháp, Anh và Đức đề nghị các đối tác châu Âu thông qua những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các hoạt động tên lửa đạn đạo, cũng như vai trò của Iran tại Syria nhằm thuyết phục Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Chỉ cách đây vài hôm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trả lời phỏng vấn báo chí cho biết còn chưa có “kế hoạch B” cho thỏa thuận hạt nhân Iran và rằng Mỹ nên giữ thỏa thuận lâu hơn khi chưa có lựa chọn tốt hơn.

Mới đây nhất Nga và Trung Quốc cũng đã nhất trí sẽ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm phá bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Còn khoảng 2 tuần nữa là đến thời hạn chót 12/5 và Mỹ đang đơn độc trong vấn đề này.

Iran sẵn sàng cho mọi tình huống

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, nước này đã xây dựng kịch bản phòng bị trong trường hợp Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

“Đây là bước phòng bị quan trọng đối với quyết định của Mỹ vào 12/5 (ngày Mỹ xem xét trừng phạt trở lại với Iran). Họ nghĩ rằng sẽ khiến thị trường (ngoại hối) hỗn loạn. Tôi hứa với người dân rằng âm mưu kẻ thù sẽ chặn đứng và dù thỏa thuận hạt nhân có hay không còn hiệu lực thì chúng ta sẽ không có vấn đề gì” – ông Rouhani nói.

Vào ngày 9/4, Iran đã chính thức thống nhất tỉ giá hối đoái chính thức và trên chợ đen; đồng thời cấm mọi hoạt động mua bán và chuyển ngoại tệ tại khu vực thị trường ngoại hối phi chính phủ.

Một bước phòng bị khác của Iran là kiểm soát chặt mạng xã hội. Ứng dụng nhắn tin phổ biến Telegram bị đóng sau khi văn phòng của lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei cho biết tài khoản của ông đóng lại để “bảo vệ an ninh quốc gia”.

Hồi tháng 1, Iran đã tạm thời đóng Telegram, ước có khoảng 40 triệu người sử dụng tại Iran, khi cơ quan an ninh nhận thấy có dấu hiệu lan truyền thông điệp chống chính phủ tại hơn 80 thành phố.

Cùng với những động thái chuẩn bị về kinh tế, xã hội, Iran cũng tuyên bố sẽ trả đũa bằng những cách thức có thể gây nguy hại tới tương lai thế giới. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhấn mạnh nước này sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, thậm chí tốc độ làm giàu uranium với độ tinh khiết 20% chỉ trong 4 ngày (uranium lên cấp độ 90% vì đây là cấp độ uranium đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ