Indonesia: Lỏng lẻo quy định khi tái mở cửa trường học

GD&TĐ - Khi năm học mới tại Indonesia bắt đầu, nhiều giáo viên bày tỏ lo ngại cho an toàn của học sinh do các trường thiếu sự chuẩn bị nghiêm ngặt trước dịch Covid-19.

Học sinh Indonesia đeo kính chắn giọt bắn khi trở lại trường.
Học sinh Indonesia đeo kính chắn giọt bắn khi trở lại trường.

Khi số ca nhiễm tại Indonesia giảm, Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa, ông Nadiem Makarim, đã yêu cầu mở cửa trường học tại thủ đô Jakarta và một số thành phố tại Java. Theo quy định, các trường chỉ được phép xếp 5 học sinh mỗi lớp. Thời gian học mỗi ngày là 2 tiếng. Trường học phải được khử khuẩn trước và sau giờ học. Học sinh đo thân nhiệt, rửa tay trước khi vào trường.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên phản ánh những quy định trên được nhà trường thực hiện lỏng lẻo. Giáo viên Rina, 23 tuổi, đã nghỉ việc tại một trường tư thục ở thành phố Bandung do nhà trường không tuân thủ quy định y tế.

Nữ giáo viên cho biết: “Thực tế, trường không khử khuẩn thường xuyên như quy định. Họ chỉ có một người bảo vệ kiêm nhiệm vụ lau sàn và tổng vệ sinh khi học sinh tan học”.

Đặc biệt, nhiều học sinh có triệu chứng Covid-19 nhưng phụ huynh cam đoan các em hoàn toàn bình thường nên nhà trường vẫn cho các em đến lớp. Giáo viên không được phép chia sẻ việc học sinh có triệu chứng bệnh với các phụ huynh khác trong lớp.

Điều này khiến một số giáo viên nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, để che giấu phụ huynh và đồng nghiệp tại trường học, ban giám hiệu đã viện dẫn những lý do như nghỉ ốm, đi công tác xa.

Những câu chuyện tương tự cũng được phản ánh tại các trường công lập do nhà nước quản lý. Tuần trước, một lớp học tại Trường Tiểu học bang SD 05 Jagakarsa, phía Nam thủ đô Jakarta, phải tạm dừng do vi phạm quy định y tế.

Trong một video được lưu truyền trên mạng xã hội, giáo viên, học sinh trong lớp không đeo khẩu trang đúng cách. Nhờ đoạn video được phát tán, phụ huynh cùng cơ quan địa phương mới phát hiện các sai phạm trong lớp học.

Ben, Hiệu trưởng một trường trung học nằm ở phía Bắc thủ đô Jakarta, cũng thừa nhận việc quản lý giáo viên, học sinh thực hiện quy định còn hời hợt. Trong hội nhóm dành cho giáo viên thủ đô, Ben đã bắt gặp nhiều người đăng ảnh đi dạy nhưng không đeo khẩu trang.

“Trong lớp học rất phổ biến tình trạng học sinh ngồi cạnh nhau, không ai đeo khẩu trang. Điều ngạc nhiên là giáo viên và một số nhà quản lý không hề có ý kiến về vấn đề này”, Ben chia sẻ.

Trước những tình huống trên, phụ huynh Indonesia đang bày tỏ lo ngại xen lẫn nghi ngờ khi đưa con trở lại trường học. Đến ngày 14/9, Chính phủ Indonesia ra thông báo cho phép phụ huynh được quyền quyết định việc trở lại trường học. Như vậy, tại những khu vực có nguy cơ dịch cao hoặc tại các trường chưa làm tốt quy định, phụ huynh hoàn toàn có thể cho con học tại nhà.

TS Soedjatmiko, làm việc tại Hiệp hội Y tế Indonesia (IDI) cho biết: “Tôi hiểu rằng, các bên liên quan đã cố gắng làm hết sức mình để tái mở cửa trường học. Nhưng có những người chỉ làm việc nửa vời. Trong giai đoạn đầu, việc tái mở cửa chưa đạt trật tự như chúng ta mong đợi và còn nhiều thiếu sót”.

Ông nhấn mạnh, các nguồn lực đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập nghiêm ngặt quy định trong nhà trường. Trường học cần lập kế hoạch tỉ mỉ khi thực hiện quy định. Phụ huynh cũng nên phối hợp với nhà trường nhắc nhở con cái tuân thủ quy trình khi đến lớp.

Theo Jakarta Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.