Hưng Yên: Sớm hoàn thiện CSHT phục vụ di dời trường đại học

Hưng Yên: Sớm hoàn thiện CSHT phục vụ di dời trường đại học

(GD&TĐ)-Tỉnh Hưng Yên đã ký thỏa thuận tiếp nhận và chỉ quỹ đất cho 3 trường đại học là trường Giao thông Vận tải, Ngoại thương, Thủy lợi. Theo kế hoạch, năm 2012, Hưng Yên sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng. Từ 2012 các trường có thể xây dựng kế hoạch chuyển về Hưng Yên hoạt động.

Mô hình
Mô hình Khu đại học Phố Hiến

Khu đại học Phố Hiến được xây dựng tại địa bàn thành phố Hưng Yên và huyện Tiên Lữ. Quy mô nghiên cứu để lập quy hoạch có tổng diện tích là hơn 1.700ha; trong đó khoảng 700ha dành cho xây dựng các cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu phát triển với quy mô khoảng 80.000 sinh viên và 1.000 cán bộ, giảng viên của các cơ sở nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.

Ngoài ra, còn có 300ha đất đô thị với quy mô dân số khoảng 30.000 người; diện tích đất còn lại là các khu đất ở dân cư hiện hữu, đất cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu.

Khu đại học Phố Hiến hình thành sẽ góp phần vào việc phân bố mạng lưới trường đại học, cao đẳng vùng thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, giãn bớt một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành Hà Nội, tạo điều kiện mở rộng, cải tạo, đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường đại học theo hướng chuẩn hóa.

Trước mắt, tỉnh Hưng Yên sẽ dành một số ưu đãi dành cho các trường như bàn giao đất sạch, đáp ứng tiêu chí về m2/sinh viên của các trường theo quy định của Chính phủ. Hưng Yên đang nghiên cứu cơ chế thuận lợi để giúp giáo viên về Hưng Yên giảng dạy có cơ chế ưu đãi về nhà ở…

Ngoài ra, vấn đề giao thông cũng được tỉnh Hưng Yên chú trọng. Hiện tỉnh đang xây dựng đường nối 2 tuyến cao tốc quốc lộ 5B và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, bao gồm cả cầu qua sông Hồng. Tuyến đường này đã được Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ đã phê duyệt và sẽ được khởi công trong tháng 7. Dự kiến sẽ được hoàn thành sau 3 - 4 năm.

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT nếu không kể các trường của lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị - xã hội, Hà Nội có 66 trường đại học, cao đẳng, chiếm xấp xỉ 15% số trường và 27,8% sinh viên của cả nước. Còn tại TH.HCM, có 69 trường đại học, cao đẳng.

Như vậy, cả hai thành phố sẽ có ít nhất 40 trường phải di dời trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, đấy chỉ là con số trên tính toán, còn trên thực tế, cho đến năm 2015, trước mắt mỗi thành phố sẽ thí điểm di dời 5 trường. Chỉ tính riêng việc di dời 5 trường ĐH/một thành phố đã phải cần tới khoảng 600 triệu USD tiền vốn và số tiền này chưa có khoản nào dành cho chi phí giải phóng mặt bằng. Bước hai là thuộc giai đoạn 2015-2020, mỗi thành phố sẽ di dời tiếp khoảng 10 đến 15 trường, nhu cầu vốn tương ứng từ 1,2 đến 1,8 tỷ USD cũng vẫn chưa tính các chi phí giải phóng mặt bằng. Và vào giai đoạn 2020-2030, hai thành phố sẽ di dời các trường còn lại.

Ngọc Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ