Hồng ngâm

GD&TĐ - 'Mẹ, quả hồng có mũ, giòn thế này thì làm sao mà 'Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi'?', đứa nhỏ cong cớn thắc mắc.

Hồng ngâm

Ghé tặng báo bà họa sĩ mà chị chẳng thể thong thả chuyện trò. Muôn thuở vẫn là: “Bọn nhỏ về trưa rồi lại đến trường, cháu sao có thể bỏ mặc...” – “Vậy thì cầm lấy quà này về cho mấy đứa, bà gửi!”.

“Mẹ, quả hồng có mũ, giòn thế này thì làm sao mà “Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi”?”, đứa nhỏ cong cớn thắc mắc. “Nhầm nhọt rồi anh chàng ơi. Phải là quả hồng mòng to chừng nắm tay trẻ, mặc áo đỏ và mềm mọng mới “nuốt” được lão tám mươi. Còn loại này “nuốt” đám SV ký túc xá…”, chị buông lấp lửng…

Này nhé, SV là sinh viên ấy. Sinh viên trọ trong ký túc xá, phần đông từ các vùng quê nghèo ra thành phố. Đến dịp sinh nhật, cũng muốn bằng chị bằng em nên bày ít bỏng ngô, bỏng gạo và đĩa quả rồi “phá cỗ”. Đứa nào sinh vào mùa Thu, kiểu gì cũng có đĩa hồng ngâm đãi bạn.

Đây là một tính toán khôn ngoan vì giá cả loại quả này rất bình dân mà khi sửa soạn bày đĩa lúc nào cũng… sung túc. Chỉ cần một cân thôi là được vài ba đĩa đầy đặn. Đã thế, mỗi quả chẻ bảy, chẻ tám kiểu múi cau, tha hồ mà nhón, tựa hồ như đĩa Thạch Sanh ấy.

Giữa đám bỏng trắng xám, màu vàng cam của hồng ngâm làm cho mâm “tiệc” sinh nhật nổi bật. Có đứa khéo tay gọt tròn vỏ, rồi cuộn thành nụ hoa mà điểm tô, nhiều khi đẹp quá, ai cũng ngại… phá đám. Rồi cái độ giòn trong “sung sướng” cộng với vị ngọt vừa vặn của hồng ngâm “mồi chài” câu chuyện nhớ nhà thêm dằng dặc…

“Thảo nào, có người cứ lưu luyến với hồng ngâm…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ