Hơn nửa triệu 1kg đỉa, dân Việt lại mắc bẫy thương lái Trung Quốc

Thị trường đỉa, ốc đá, các loại cây dược liệu lại nóng hơn bao giờ hết trước những thông tin thương lái Trung Quốc đang thu mua với giá cao (600.000 đồng/kg đỉa).

Hơn nửa triệu 1kg đỉa, dân Việt lại mắc bẫy thương lái Trung Quốc

Tại xã Xuân Quỳ và Hóa Quỳ, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) xuất hiện thông tin nhiều người thu gom đỉa, ốc đá, cây dược liệu rồi xuất bán cho Trung Quốc thông qua một số thương lái nước ngoài.

Theo người dân xã Hóa Quỳ, hiện nay nhiều người tích cực thu mua đỉa với giá khá cao từ 550.000- 600.000 đồng/kg, nên nhiều người dân đổ xô đi các ao hồ, đồng ruộng bắt đỉa về bán.

Bên cạnh nhu cầu đỉa, các thương lái Trung Quốc cũng rất quan tâm đến các mặt hàng khác như ốc đá, các loại cây dược liệu. Người dân gần đây tập trung bắt ốc đá ở các khe suối (loại ốc dài 3 - 4cm) để bán cho thương lái với giá 25.000/kg. Mỗi ngày một lao động đi bắt ốc đá được khoảng từ 5- 7 kg, khiến nguồn thực phẩm này ngày càng cạn kiệt.

Ngoài ra, nhiều tháng nay bà con nông dân các xã miền núi huyện Như Xuân còn vào rừng đi hái, tận thu nấm lim xanh, cây máu chó, củ thiên niên kiện (loại cây dược liệu)… để bán cho thương lái rồi xuất sang Trung Quốc.

Bà con cho biết, không rõ thương lái mua những loại cây này để làm gì nhưng cứ khoảng một vài tháng lại có xe ô tô đến lấy hàng. Thậm chí nhiều dịp cao điểm còn có cả người Trung Quốc về xã Hóa Quỳ, Xuân Quỳ thuê người băm chặt, phơi cây dược liệu rồi đóng bao cho họ với công lao động 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Những khi khan hàng, người dân thường xuyên phải đi gom ở nhiều mối để bán lại cho các thương lái hoặc "trung gian". Nhiều người dân tại xã Hóa Quỳ cho biết, đã vài năm nay, bà con thường tranh thủ đi bắt đỉa để bán cho một ông chủ chuyên thu mua đỉa ở trong xã. Giá đỉa có thời điểm lên tới 500.000 - 600.000 đồng/kg.

Tuy nhiên khi được hỏi về mục đích thu mua những sản phẩm kì dị này của thương lái Trung Quốc, hầu như không ai biết. Thấy bán được giá nên người dân lao vào bắt đỉa, hoặc tìm các mối hàng rồi bán lại. 

Tuy nhiên, có bán được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu thất thường củc các thương lái. Rất có thể đây chỉ là chiều "quay vòng" hàng hóa để chính người dân lỗ vốn, méo mặt vì ôm một đống hàng vô dụng, thậm chí gây nguy hiểm cho môi trường.

Trao đổi với báo giới, chính quyền địa phương cho hay cũng đã tuyên truyền đến người dân hãy cảnh giác trước việc thu mua các mặt hàng trên của thương lái Trung Quốc. 

Bởi khi các thương lái tại địa phương thu gom hàng (nhất là đỉa) với số lượng lớn, nhưng thương lái Trung Quốc không mua nữa thì thành thảm họa cho môi trường.

Theo thethaovietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ