(GD&TĐ) - Đúng 9h sáng nay ngày 21/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội (QH) khóa XIII chính thức được khai mạc tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Trước giờ khai mạc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu QH đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng sau đây:
Một là, xem xét báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; quyết định một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp |
Hai là, xem xét, thông qua 13 dự án luật và 02 dự thảo nghị quyết: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật giá; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giám định tư pháp; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật giáo dục đại học; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Bộ luật lao động (sửa đổi); Luật công đoàn (sửa đổi); Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật quảng cáo; Luật tài nguyên nước (sửa đổi); Luật biển Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013; Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Bốn là, xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ QH, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2011; tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới năm 2011; sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình hình xây dựng, quản lý và vận hành các đập thuỷ điện; tình hình quản lý, sử dụng đất năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
“Kỳ họp thứ 3 của QH có rất nhiều nội dung quan trọng. Để tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp, hoàn thành tốt chương trình đã đề ra, trong quá trình chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Uỷ ban thường vụ QH đã chỉ đạo các cơ quan của QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện một số cải tiến, đổi mới và tổ chức phục vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trước khi kết thúc bài phát biểu khai mạc kỳ họp.
Ngay sau phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo của Chính phủ “Bổ sung tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012”.
Báo cáo nhận định: Theo nhiều dự báo, kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh còn tiềm ẩn, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn; lãi suất tín dụng còn cao; áp lực tăng giá của một số loại hàng hóa là đầu vào của sản xuất sẽ tiếp tục gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng như điều hành kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, có thể thấy rằng một số lĩnh vực của nền kinh tế như nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng trong nước, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chế biến, điện tử… vẫn đang có mức tăng khá. Đây chính là những yếu tố quan trọng cần phát huy, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.
Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 mà các Nghị quyết của Đảng, QH, Chính phủ đã đề ra đồng thời xuất phát từ tình hình thực tiễn khó khăn của nền kinh tế trong những tháng gần đây, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; từng bước thực hiện có kết quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó tập trung vào 6 nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Hai là, thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Ba là, thực hiện tốt hơn việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường.
Bốn là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện đồng bộ chương trình cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Năm là, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Sau khi nêu lên các giải pháp đi kèm của mỗi nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước QH nêu rõ tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý là nhiệm vụ rất khó khăn; vừa là cần thiết, cấp bách trong năm 2012, vừa là yếu tố quan trọng để bảo đảm ổn định và phát triển bền vững trong trung và dài hạn.
“Trong điều kiện khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng với sự quyết tâm cao, đoàn kết, đồng thuận trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2012 mà QH đã đề ra, gắn với việc triển khai thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, lần thứ 5 khóa XI của Đảng, tạo tiền đề phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong những năm sau” - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trước khi kết thúc báo cáo đầu tiên của Chính phủ được trình trước QH tại kỳ họp lần này.
Tiếp ngay sau đó, QH đã nghe Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Ủy viên Ủy ban thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012. Đáng lưu ý Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp QH do Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày cho biết Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba QH khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ QH đến nay tập hợp được 1204 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu như: Về kinh tế và đời sống của nhân dân: Về khiếu nại, tố cáo; Về tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Về nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu QH.
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Chính phủ đã đã chính thức trình QH đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, nội dung đã được đại biểu QH yêu cầu tại không ít kỳ họp trước. Đối với bản đề án trình QH lần này, phần tổ chức thực hiện Chính phủ đã làm rõ hơn khó khăn, thách thức và thuận lợi đối với quá trình tái cơ cấu kinh tế cũng như bước đầu trả lời một số vấn đề đặt ra qua quá trình góp ý cho đề án.
Bên cạnh các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách, ở kỳ họp này QH sẽ thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Một điểm đáng chú ý tại kỳ họp này là QH sẽ nghe Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ QH Nguyễn Thị Nương trình bày tờ trình đề nghị QH bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Dự kiến trong ngày làm việc thứ bảy duy nhất tại hội trường ở kỳ họp này (26/5), QH sẽ bàn trường hợp bà Yến. Nếu QH tiến hành bỏ phiếu có 2/3 số phiếu đồng ý bãi nhiệm, QH sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến.