Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị |
(GD&TĐ) – Sáng nay 23/11, tỉnh Thanh Hóa tổng kết 10 năm hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) các huyện miền núi cao và xây dựng mục tiêu, giải pháp hoạt động giai đoạn 2013 - 2020.
Đến dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt và Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phạm Thị Hằng.
Những chuyển biến tích cực từ TTHTCĐ
Thanh Hóa cần phát động, tổ chức tốt phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài rộng khắp, sôi nổi, có chiều sâu, tuyên truyền cổ vũ nhân rộng các điển hình tiên tiến, những gương người tốt việc tốt để thi đua, tạo động lực mạnh mẽ trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng XHHT và phát triển TTHTCĐ. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển |
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, 10 năm qua, các TTHT CĐ của 7 huyện nghèo vùng núi cao (Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân và Bá Thước) của tỉnh đã mở được 16.489 lớp học với hơn 1,77 triệu lượt người tham gia. Nhiều mô hình TTHTCĐ hoạt động hiệu quả.
Tiêu biểu như TTHTCĐ xã Thiết Ống (Bá Thước) mở được 972 lớp học cho hơn 53.976 lượt người tham gia học tập. Vì vậy, tình hình kinh tế - xã hội của xã có nhiều chuyển biến.
Năm 2004, toàn xã có 86 gia đình hiếu học thì đến nay đã có 614 gia đình hiếu học cấp xã và cấp huyện; số hộ nghèo chiếm 70% năm 2005, đến nay đã giảm xuống còn 30%.
Ngoài ra, nhiều hộ gia đình thông qua các lớp học chuyển giao, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã áp dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như hộ gia đình anh Bùi Văn Quang ở thôn Giầu Cả (xã Lương Ngoại, Bá Thước) học tập kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư trồng mía, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động. Gia đình ông Lê Văn Thẻ ở thôn Thăng Bình (thị trấn Yên Cát, Như Xuân) phát triển mô hình trồng nấm cho thu nhập ổn định 70 - 100 triệu đồng/năm.
Được biết, từ năm 2001 địa phương này đã xây dựng đề án xây dựng xã hội học tập và phát triển TTHTCĐ. Trong đó, việc xây dựng các TTHTCĐ ở bảy huyện nghèo vùng núi cao được triển khai mạnh vào những năm 2003- 2004, góp phần quan trọng đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân vùng cao.
Đến nay, toàn bộ 109 xã, thị trấn của bảy huyện nghèo vùng núi cao của Thanh Hóa đều có các TTHTCĐ hoạt động hiệu quả với các nội dung phong phú, đa dạng gắn với nhu cầu học tập thiết thực của người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động TTHTCĐ |
Xây dựng xã hội học tập từ các TTHTCĐ
Đánh giá về mô hình hoạt động các TTHTCĐ các huyện nghèo vùng núi cao của tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Các TTHTCĐ của các huyện nghèo vùng cao của tỉnh Thanh Hóa dù còn một số hạn chế nhưng phần lớn các trung tâm hoạt động có nề nếp, trở thành địa chỉ để các ngành, đoàn thể triển khai nhiệm vụ; nhất là góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Mô hình hoạt động của các TTHTCĐ ở Thanh Hóa là một trong những điểm sáng để Bộ GD & ĐT nghiên cứu, triển khai học tập trên toàn quốc, nhất là với các tỉnh miền núi.
Để thực hiện tốt vai trò của mình, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục quan tâm sâu sát, coi việc phát triển TTHTCĐ là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội.
Hội khuyến học tiếp tục là nòng cốt trong việc vận động phát triển TTHTCĐ; ngành giáo dục tỉnh phối hợp chính quyền cơ sở thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước và hướng dẫn hoạt động đối với TTHTCĐ năng động, sáng tạo đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân địa phương.
Từng đơn vị xã, phường, thị trấn cần xây dựng quy hoạch về cơ sở hạ tầng như: trụ sở làm việc, phòng học, thư viện.
Các TTHTCĐ cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề ngắn hạn, chuyển giao kỹ thuật cho người lao động để tạo nguồn lao động có kỹ thuật có tay nghề cho phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp, dịch vụ giúp người dân thoát nghèo và góp phần nâng chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương; xây dựng xã hội học tập.
Các nhiệm vụ, mục tiêu cần được cụ thể hóa thành các chương trình, đề án để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành để dễ kiểm tra, đôn đốc và xác định rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng và đặc điểm của mô hình giáo dục không chính quy với đặc trưng nổi bật nhất là tính xã hội hóa linh hoạt và sáng tạo.
Dự kiến từ nay đến năm 2020, Thanh Hóa phấn đấu mục tiêu không còn người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35; 99% người từ 15 đến 60 tuổi biết chữ; 50% người trong độ tuổi lao động được đào tạo; 80% người lao động được tâp huấn, bồi dưỡng kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; 100% cán bộ xã, thị trấn đạt chuẩn về chính trị, quản lý nhà nước. 100% cán bộ xã, thị trấn đạt chuẩn về chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có 15% đạt trên chuẩn, 80% trở lên có trình độ tin học ứng dụng; 80% người lao động được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nông – lâm, trồng trọt, chăn nuôi trong đó có 70% được học tại TTHTCĐ. Phấn đấu 50% TTHTCĐ đạt loại tốt, không còn loại kém; trên 20% số xã đạt chuẩn XHHT. |
Hải Phong