Hôm nay, xét xử phúc thẩm cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng

GD&TĐ - Sáng 21/1, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm theo đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và 3 bị cáo trong vụ án biến lô "đất vàng" 6.000m2 thành đất tư nhân.

Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: TTXVN
Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: TTXVN

Trước đó, ngày 27/12/2021, phiên tòa được mở để xem xét đơn kháng cáo của các bị cáo, nhưng sau đó đã phải hoãn do bị cáo Vũ Huy Hoàng vắng mặt vì lý do đang là F1, phải cách ly y tế.

Chiều ngày 29/4/2021, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án biến lô "đất vàng" 6.000m2 ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) từ tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Vũ Huy Hoàng 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cùng tội danh này, các bị cáo gồm: Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công Nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) lĩnh 9 năm tù, Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM) 4 năm 6 tháng tù, Lê Quang Minh (cựu Trưởng phòng Phòng Phát triển hạ tầng, Sở KH&ĐT TP.HCM) bị phạt 3 năm 6 tháng tù.

Sau phán quyết của TAND TP. Hà Nội, các bị cáo trên đã có đơn kháng cáo. Trong đơn kháng cáo, bị cáo Vũ Huy Hoàng đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt; xem xét toàn bộ hành vi của bị cáo trong vụ án để xác định lại tội danh.

3 bị cáo còn lại cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được cải tạo ngoài xã hội. Riêng bị cáo Khôi đang mắc bệnh hiểm nghèo, kháng cáo với mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Trong vụ án này, những bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Bộ Công Thương, UBND TP.HCM, Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cùng một số cá nhân khác.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2012, cũng với tư cách là Bộ trưởng, ông Hoàng làm trái chỉ đạo của Chính phủ, quyết định cho Sabeco chuyển nhượng tài sản để đầu tư dự án xây khu tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại. Bị cáo là người tham gia xây dựng ra văn bản pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật.

Bị cáo Hoàng còn chỉ đạo bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng, đang bị truy nã) và cấp dưới ra văn bản yêu cầu Sabeco dùng quyền sử dụng đất cùng tiền của Sabeco góp vốn, thành lập Sabeco Pearl để kinh doanh bất động sản. Sau đó, Sabeco thoái vốn góp tại Sabeco Pearl nên khu đất trên được dịch chuyển sang tài sản tư nhân.

Đại diện VKSND đánh giá ông Vũ Huy Hoàng có nhiều tình tiết giảm nhẹ và mắc bệnh nặng. Tuy nhiên, bị cáo giữ vai trò chính với hành vi có tính chất quyết định gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên chỉ có thể giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo nhưng phải chịu hình phạt cao hơn những người khác.

Đối với bị cáo Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM), bị cáo xin xét xử vắng mặt do sức khỏe không đảm bảo. Viện kiểm sát cho biết, bị cáo Tín giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra, thừa nhận biết đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được giao cho Sabeco và không được thành lập pháp nhân mới để khai thác tài sản này.

Tuy nhiên, ông Tín vẫn đồng ý cho Sabeco Pearl (không phải là doanh nghiệp nhà nước) thực hiện nghĩa vụ tài chính, được làm chủ đầu tư và thuê đất thực hiện dự án.

Đối với các bị cáo còn lại, Viện kiểm sát cho rằng, họ có vai trò đồng phạm, tham mưu, đề xuất để ông Tín ký văn bản chấp thuận cho Sabeco Pearl thuê đất trái quy định. Hành vi của bị cáo Vũ Huy Hoàng và các bị cáo gây thiệt hại, thất thoát cho nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.