Hội thảo quốc tế “Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN“

GD&TĐ - Ngày 28/10, Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo quốc tế “Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam” tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đến dự.

Hội thảo nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật cũng như kinh nghiệm thực tiễn, cung cấp một diễn đàn cho các học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về tiến trình hội nhập của các nước ASEAN vào AEC; mức độ sẵn sàng của Việt Nam đối với AEC; các cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam trong quá trình hội nhập; và các gợi ý chính sách nhằm tăng cường sự tham gia hiệu quả của Việt Nam vào AEC.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tiến trình hội nhập của các nước ASEAN vào AEC. Cho đến nay ASEAN đã thực hiện khoảng 80% số biện pháp đề ra trong lộ trình tổng thể xây dựng AEC do vậy phiên thảo luận này sẽ đi sâu phân tích các kết quả đạt được trong quá trình chuẩn bị cho AEC.

Hướng đến trụ cột thị trường và địa bàn sản xuất thống nhất, Hội thảo đã đánh giá các hoạt động cắt giảm thuế quan, thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp phi thuế quan và tự do hóa dịch vụ.

Hướng đến trụ cột hội nhập của ASEAN vào nền kinh tế thế giới, các đại biểu đã phân tích tiến trình thực hiện hiệp định thương mại của ASEAN+1 và Hiệp định kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). 

Bên cạnh đó, dự báo tác động của AEC đến tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng sẽ được đưa ra trong phiên thảo luận này.

Các đại biểu còn đánh giá sâu về công tác chuẩn bị của Việt Nam đối với AEC và những hàm ý cho Việt Nam. Dựa trên kết quả điều tra khảo sát ở 5 tỉnh thành lớn trực thuộc Trung ương, đại diện nhóm thực hiện Đề tài cấp Nhà nước “Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam”, mã số: KX.01.11/11-15 thuộc chương trình KX.01/11-15 sẽ chỉ ra hai vấn đề quan trọng đối với Việt Nam.

Thứ nhất, có một khoảng cách giữa quan điểm, nhận thức về AEC giữa các cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp.

Thứ hai, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chuẩn bị cho AEC. Lý giải hai vấn đề này, có 3 nguyên nhân được nêu ra là tầm quan trọng của thị trường ASEAN chưa được xác định rõ; bản chất cạnh tranh trong ASEAN và cơ chế phối hợp tuyên truyền và xử lý thông tin hội nhập chưa thực sự hiệu quả.

Các cơ hội và thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập vào AEC cũng sẽ là điểm nhấn của phiên thảo luận này. Để nâng cao tính hiệu quả của Việt Nam khi tham gia AEC, giúp Việt Nam có sự chuẩn bị phù hợp phiên thảo luận này sẽ đưa ra các giải pháp thiết thực đối với các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý và các hiệp hội doanh nghiệp.

AEC sẽ được hiện thực hóa vào cuối năm 2015 là kết quả tất yếu khách quan của quá trình hợp tác kinh tế lâu dài giữa các nước ASEAN.                                                                                                                                                                                                     Các công tác chuẩn bị cho việc hình thành AEC đang được tiến hành khẩn trương nhưng mức độ sẵn sàng của các nước là tương đối khác nhau bởi trình độ phát triển, sự chủ động tích cực vào cuộc của các chính phủ, các hiệp hội và các doanh nghiệp ở các nước là khác nhau.                                                                                                                                                                                Trong khoảng thời gian hơn một năm, các nước thành viên trong đó có Việt Nam sẽ phải thực hiện nốt 20% kế hoạch đã được đề ra trong lộ trình tổng thể xây dựng AEC là điều đáng bàn luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ