(GD&TĐ) - Tại TP.Đà Nẵng, Ban Điều phối vùng các tỉnh duyển hải miền Trung phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng tổ chức hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung (gồm 9 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Định), với sự tham gia của gần 600 đại biểu các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và nước ngoài.
Có gần 600 đại biểu, trong đó có hơn 200 đại biểu nước ngoài tham dự Hội nghị |
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Bá Thanh, UVBCH TW Đảng, Trưởng Ban nội chính TW, Trưởng Ban điều phối vùng nhấn mạnh: “Với mục đích quảng bá tiềm năng và xúc tiến cơ hội đầu tư của vùng, tạo điều kiện thuận thợi cho các tỉnh, thành phố trong vùng giới thiệu các cơ chế, chính sách ưu đãi, danh mục các dự án đầu tư trọng điểm và các dự án đầu tư ưu tiên với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn quyết định đầu tư. Đây cũng là cơ hội để các địa phương trong vùng gửi thông điệp về một vùng đất giàu tiềm năng, nhiều cơ hội và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hội nghị cũng là dịp để các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài trao đổi, đối thoại về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và liên kết vùng”.
Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng khẳng định: “Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế tiếp xúc, trao đổi, đối thoại trực tiếp với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong vùng; nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, tìm hiểu thông tin đầu tư vào các dự án cụ thể”.
Tại Hội nghị, khi bàn về vấn đề phát triển và liên kết phát triển công nghiệp các tỉnh duyên hải miền Trung thì hầu hết ý kiến các đại biểu cho rằng, vùng duyên hải 9 tỉnh miền Trung là cửa ngõ giao thương với các nước trong khu vực, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để có thể chuyển tiềm năng thành lợi thế kinh tế trong cạnh tranh khu vực và toàn cầu, trước hết cần có sự tiếp cận phát triển theo quy mô vùng, đầu tư có trọng điểm, hình thành những cụm liên kết sản xuất; Đồng thời, tạo sự đột phá về thể chế (chính sách và dịch vụ hành chính công) và kết cấu hạ tầng sẽ trở thành địa bàn đầu tư giàu tiềm năng của nước ta.
Nhiều khó khă, vướng mắc trong hoạt động xúc tiến đầu tư được Hội nghị trao đổi, tháo gỡ |
Trước thực trạng nguồn lao động làm việc trong ngành du lịch vùng đã qua đào tạo chiếm tỉ lệ còn thấp, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất: “Trên cơ sở dự báo cung - cầu lao động, cần triển khai kịp thời các hoạt động liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo và dạy nghề trong vùng duyên hải miền Trung về ngành nghề, trình độ để đảm bảo đáp ứng nhu cầu. Khuyến khích các hình thức hợp tác giữa cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch và doanh nghiệp kinh doanh du lịch để nâng cao chất lượng đào tạo. Có biện pháp hỗ trợ, bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh, Nhật, Nga, Trung…) cho lao động lĩnh vực du lịch”.
Để thu hút các nhà đầu tư, Hội nghị lần này tiếp tục giới thiệu 27 danh mục dự án kêu gọi đầu tư của vùng duyên hải miền trung. Trong đó, có 2 dự án về lĩnh vực giáo dục: Xây dựng trường đại học tiêu chuẩn quốc tế với quy mô hiện đại – tại TP.Phan Rang, Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận (bao gồm nhiều chuyên ngành, là nơi đào tạo nguồn chất lượng cao khu vực Nam Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên) và đầu tư xây dựng trường ĐH quốc tế - tại Làng Đại học Đà Nẵng (đào tạo trình độ từ CĐ đến ĐH cho các ngành: Quản trị du lịch – Khách sạn, quản lý kinh doanh, thương mại, marketing, ngoại ngữ). Và các lĩnh vực: công nghiệp có 9 dự án, dịch vụ - du lịch - bất động sản 8 dự án, nông nghiệp 2 dự án, cơ sở hạ tầng 4 dự án, Y tế có 2 dự án.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung diễn ra trong hai ngày 21 và 22/3.
Đại Thắng