Dự hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa; Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngô Mạnh Hải; Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kKiểm định chất lượng giáo dục Ngô Thành Hưng… cùng đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT của 6 tỉnh Bắc trung bộ.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Năm học 2013 - 2014, 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã đạt được những kết quả nổi bật. Trước hết, tất cả các Sở GD&ĐT đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thời gian năm học và chỉ thị nhiệm vụ năm học phù hợp với tình hình địa phương. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu, đề án, dự án, các giải pháp nhằm ổn định và phát triển giáo dục.
Trong quy hoạch mạng lưới giáo dục, huy động học sinh ra lớp, các Sở GD&ĐT Bắc Trung bộ tiếp tục rà soát, sắp xếp quy hoạch hệ thống trường lớp từ mầm non đến phổ thông phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội từng địa phương, đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân và nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở các cấp học, bậc học đạt tỷ lệ cao, nhất là giáo dục mầm non và tiểu học. Nhiều huyện, thị, thành phố các tỉnh đạt 100% như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS được duy trì vững chắc, phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi được tiến hành quyết liệt. Tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình hoàn thành chỉ tiêu, Thanh Hóa đạt 98,1%, Nghệ An đạt 66,6%...
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, được các Sở GD&ĐT Bắc Trung bộ coi đây là nhiệm vụ số một của mỗi đơn vị, trường học.
Trong đó, trước hết là đổi mới công tác quản lý, đổi mới công tác thi cử, công tác đánh giá kết quả học tập của học sinh đảm bảo thực chất công bằng khách quan. Tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên trong phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập…
Kết quả, tỷ lệ học sinh xếp loại tốt ở THCS, THPT và xếp loại đầy đủ ở tiểu học nâng lên. Số học sinh vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ nhà trường và các tệ nạn xã hội giảm.
Về học lực, tỷ lệ học sinh xếp loại giỏi, khá được nâng lên, tỷ lệ học sinh xếp loại yếu, kém đã giảm so với năm học trước như: THCS và THPT: Loại khá, giỏi đạt 78,3% (tăng 2,46%), loại yếu kém 5,24% (giảm 5,48% so với cùng kỳ năm trước).
Kết quả trong các kỳ thi học sinh giỏi như học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia THPT, toàn vùng có 304 em đạt giải. Kỳ thi Olimpic “Tài năng Tiếng Anh” giành cho học sinh phổ thông có 14 giải …
Việc tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng được các tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng tăng lên. Đến nay, số phòng học kiên cố, cao tầng của 6 tỉnh Bắc trung bộ chiếm tỷ lệ 78,17%.
Ngoài ra, nhiều nội dung khác cũng được các Sở GD&ĐT trong vùng quan tâm, phát triển như: Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo phát triển toàn diện. Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài, tăng thêm nguồn lực cho giáo dục.
Quan tâm phát triển giáo dục miền núi và dân tộc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo cơ sở giáo dục, thực hiện hiệu quả công tác phối hợp giữa quản lý ngành và lãnh thổ…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Quỳnh. |
Bộ GD&ĐT muốn nghe ý kiến góp ý, trao đổi thẳng thắn
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: “Bắc Trung bộ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học, luôn được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân miền Trung.
Đặc biệt, với sự nỗ lực vượt khó của cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên, GD&ĐT 6 tỉnh Bắc Trung bộ tiếp tục đạt được kết quả tốt đẹp, đáng trân trọng, góp phần cùng với giáo dục cả nước hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2013 - 2014. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc, thành công”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng đề nghị các Sở GD&ĐT tập trung đánh giá, khẳng định những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ đối với GDMN, GDPT, GDTX, GDCN theo Chỉ thị số 3004/CT-BGDĐT.
Phân tích sâu sắc nguyên nhân của những thành công. Đặc biệt, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém để khắc phục trong năm học tới.
Thảo luận những vấn đề cần tập trung trong năm học tới. Đặc biệt, đề nghị đại diện các Sở GD&ĐT góp ý về công tác chỉ đạo điều hành của Bộ GD&ĐT, các Vụ, Cục thuộc Bộ trong năm học vừa qua và những vấn đề cần đề xuất, kiến nghị.
Lãnh đạo Bộ muốn nghe ý kiến trao đổi thẳng thắn từ các địa phương để điều chỉnh công tác quản lý, chỉ đạo cho phù hợp với tình hình mới.
Cũng tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Trưởng vùng Phạm Thị Hằng đại diện các sở GD&ĐT của 6 tỉnh Bắc Trung bộ đưa ra những đánh giá chung, từ đó có những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014 - 2015.
Tập trung vào nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Đổi mới căn bản công tác quản lý GD&ĐT. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính.
Bà Phạm Thị Hằng cũng đưa ra kiến nghị đề xuất đối với Bộ GD&ĐT như: Triển khai đề án dạy học ngoại ngữ đến năm 2020. Có quy định cụ thể về vấn đề dạy thêm học thêm, về các khoản đóng góp trong các cơ sở giáo dục.
Cần triển khai sớm phương án thi tốt nghiệp THPT, BTTHPT năm học 2014 - 2015 để các địa phương chủ động thực hiện, tránh tình trạng cập rập như năm học 2013 - 2014…
Phần cuối của hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT trong vùng đã thảo luận một số nội dung liên quan đến phương hướng, nhiệm vụ trong năm học 2014 - 2015; Khắc phục những khó khăn và phát huy những thế mạnh trong ngành giáo dục ở từng địa phương...
Kiến nghị đề xuất đối với Bộ GD&ĐT Triển khai đề án dạy học ngoại ngữ đến năm 2020. Có quy định cụ thể về vấn đề dạy thêm học thêm, về các khoản đóng góp trong các cơ sở giáo dục.
Cần triển khai sớm phương án thi tốt nghiệp THPT, BTTHPT năm học 2014 - 2015 để các địa phương chủ động thực hiện, tránh tình trạng cập rập…