Học và thi chứng chỉ tiếng Anh: Đừng để bị cuốn theo thị trường

GD&TĐ - Đánh vào nhu cầu thực tế của phụ huynh và người học, nhiều trung tâm ngoại ngữ đã mở các mô hình đào tạo chứng chỉ với nhiều hình thức.

Các bạn trẻ tham gia các khóa học lấy chứng chỉ tiếng Anh với nhiều mục đích khác nhau.
Các bạn trẻ tham gia các khóa học lấy chứng chỉ tiếng Anh với nhiều mục đích khác nhau.

Không thể phủ nhận được tầm quan trọng của các chứng chỉ ngoại ngữ, tuy nhiên, việc này cũng ẩn chứa những bất cập.

Học chứng chỉ tiếng Anh vì… bố mẹ

Trước đây, chỉ những học sinh có nhu cầu du học mới học các chứng chỉ ngoại ngữ như TOEIC, TOEFL, IELTS. Nhưng hiện nay, xu hướng học các chứng chỉ tiếng Anh đã trở nên phổ biến hơn.

Thực tế, trên chứng chỉ tiếng Anh không thể hiện thời hạn hiệu lực, nhưng chúng sẽ có giá trị sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định tùy theo nơi cấp bằng và nơi sử dụng bằng. Cụ thể: Các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế TOEIC, TOEFL, IELTS có thời hạn hiệu lực trong vòng 2 năm kể từ ngày cấp bằng; chứng chỉ SAT có giá trị trong vòng 5 năm kể từ ngày thi; CEFR B1 có thời hạn sử dụng trong 2 năm; B2 có thời hạn sử dụng trong 1,5 năm; C1 có giá trị trong vòng 1 năm; A2 có giá trị vĩnh viễn nếu không có quy định khác của đơn vị sử dụng; chứng chỉ Cambridge có thời hạn vĩnh viễn; chứng chỉ tiếng Anh 6 bậc tại Việt Nam có thời hạn vĩnh viễn nếu đơn vị sử dụng bằng không có quy định gì khác.

Chứng chỉ tiếng Anh còn được sử dụng như “tấm vé thông hành” vào các trường đại học theo diện xét tuyển hoặc vào thẳng vào các trường trung học phổ thông có tiếng, gồm cả một số trường công lập ở nhiều tỉnh, thành phố.

Thích vẽ và viết văn, nhưng vì sợ cha mẹ buồn nên Trần Thu Linh, học sinh lớp 9 tại một trường THCS quận Gò Vấp (TPHCM) vẫn đều đặn đi học tiếng Anh một tuần 3 buổi tại một trung tâm ngoại ngữ.

Linh tâm sự: “Tiếng Anh của em không quá tệ. Vì cha mẹ bắt em học để thi lấy chứng chỉ nên em cảm thấy hơi quá tải, nhất là những lần bước vào kỳ thi. Tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, em cũng dự định theo học khối ngành xã hội nên không cần học quá nhiều như vậy”.

Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 7 một trường quốc tế tại TPHCM có khả năng tiếng Anh khá tốt (vì được học từ nhỏ trong môi trường thuận lợi, thường xuyên sử dụng ngôn ngữ này). Tuy nhiên, nhiều lúc cậu học trò này bị áp lực khi trải qua quá nhiều cuộc thi đầu vào. Thực tế, trong khi việc vận dụng vào cuộc sống của em chưa nhiều. Ba lần tham dự kỳ thi IELTS, Tuấn Anh đều không đạt được kết quả như bản thân và gia đình mong muốn.

“Em cảm thấy việc học và thi có hơi quá tải. Em nghĩ vì tương lai nên phải nghiêm túc và cố gắng ôn luyện. Em cũng tin là ở xã hội hiện đại, nếu giỏi một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ sẽ có thêm nhiều lợi ích trong công việc sau này. Đây cũng là điều mà cha mẹ em luôn mong muốn”, Tuấn Anh chia sẻ.

Thực tế, hiện nay có nhiều trung tâm tiếng Anh quảng cáo “rầm rộ” về việc chuyên đào tạo các loại chứng chỉ TOEIC, TOEFL, IELTS làm nhiều phụ huynh phân vân khi lựa chọn nơi học cho con.

Mất hơn 3 tháng tìm hiểu, tham khảo, gia đình anh Trần Lâm (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) mới quyết định cho con gái học tiếng Anh tại một trung tâm do người quen giới thiệu.

Anh Lâm cho biết, vợ chồng anh đều làm văn phòng, lương ở mức trung bình nên việc đầu tư khoản tiền lớn cho con học lấy chứng chỉ ngoại ngữ phải cân nhắc rất nhiều. Dù tốn kém, nhưng hai vợ chồng anh Lâm xác định, chỉ cần con học giỏi tiếng Anh thì sau này không lo thất nghiệp.

hoc-va-thi-chung-chi-tieng-anh-dung-de-bi-cuon-theo-thi-truong-1-7661.jpg
Nhiều bạn trẻ học vì ý muốn của gia đình. Ảnh: Lê Nam - Ảnh minh họa: ITN

Không “chạy đua” quá sớm

Theo các chuyên gia giáo dục, chứng chỉ tiếng Anh là một loại chứng nhận trình độ tiếng Anh của người học. Các chứng chỉ này sẽ do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức thi và cấp bằng. Để nhận được chứng chỉ, người học phải trải qua một kỳ kiểm tra. Kết quả thi sẽ thể hiện trình độ tiếng Anh của họ. Mỗi loại chứng chỉ tiếng Anh sẽ có giá trị, thời gian, mục đích sử dụng riêng. Vì vậy, người học cần xem xét nhu cầu của bản thân để lựa chọn chứng chỉ phù hợp với mình.

Thực tế cho thấy, tình trạng chạy đua học và thi chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đang diễn ra thái quá, gây tốn kém thời gian, công sức của người học, tốn kém tài chính của nhiều gia đình.

Thạc sĩ Giang Hữu Tâm, giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, đối với chứng chỉ IELTS, theo khuyến cáo của đơn vị tổ chức thi IELTS, không khuyến khích học sinh dưới 16 tuổi tham gia.

Học sinh học IELTS từ quá sớm không mang lại hiệu quả nhiều cho các em. Bên cạnh đó, việc phụ huynh chạy đua với các chứng chỉ ngoại ngữ để con em phải tập trung quá nhiều vào việc ôn luyện sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập các môn học khác.

“Không thể phủ nhận vai trò của việc sử dụng IELTS trong bối cảnh hội nhập. Nhưng nếu sử dụng chứng chỉ này để đánh giá tuyển thẳng kỳ thi đầu cấp là bất hợp lý. Bên cạnh đó, các gói học để có thể thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ không rẻ. Vậy nên các em có hoàn cảnh khó khăn, ở khu vực vùng sâu vùng xa sẽ khó tiếp cận. Điều này vô hình gây nên sự không công bằng trong kỳ thi tuyển đầu cấp”, Thạc sĩ Tâm đặt vấn đề.

hoc-va-thi-chung-chi-tieng-anh-dung-de-bi-cuon-theo-thi-truong-4-2583.jpg
Học sinh Trường THPT Thanh Đa, TPHCM trong một tiết học tiếng Anh.

Theo Thạc sĩ Giang Hữu Tâm, hiện nay, một số phụ huynh không cần biết đến mục đích sử dụng của các chứng chỉ ngoại ngữ mà chạy đua “bằng mọi giá” cho con học. Việc đầu tư sai mục đích sẽ dẫn đến “lợi bất cập hại”.

Trong thực tế, một số trung tâm đào tạo hoặc nhà tuyển dụng đang quảng cáo có chứng chỉ ngoại ngữ như phép nhiệm màu của sự thành công. Điều này thúc đẩy nhiều bậc phụ huynh đăng ký cho con học. Đây là nhu cầu của cha mẹ chứ không xuất phát từ nhu cầu của con.

“Muốn người Việt có trình độ tiếng Anh thực thì không nên đặt nặng vấn đề cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ mới tốt, mà còn phải xem năng lực sử dụng tiếng Anh thực sự như thế nào? Kỳ thi và bảng điểm IELTS chỉ thật sự cần thiết và rất tốt đối với các học sinh, sinh viên có nguyện vọng muốn học các chương trình bậc đại học được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh ở trong và ngoài nước mà thôi”, Thạc sĩ Tâm nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025. Theo đó, Bộ đề nghị các tỉnh, thành dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 với thí sinh có giải học sinh giỏi tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ IELTS.

Liên quan đến vấn đề một số địa phương sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển thẳng lớp 10, bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục, nhà sáng lập CEO InnEdu cho rằng, việc dùng các chứng chỉ ngoại ngữ để đánh giá và tuyển thẳng vào lớp 10 giống như “dùng chìa khóa tủ để mở cửa nhà”.

“Việc bỏ quy định dùng chứng chỉ IELTS của Bộ GD&ĐT là hoàn toàn hợp lý. Trong bối cảnh hiện nay học tiếng Anh để lấy chứng chỉ cần được xem xét lại vì những lý do như: Học tiếng Anh để làm gì? Để lấy chứng chỉ hay để sử dụng tiếng Anh cho học tập và làm việc?”, bà Quyên khuyến cáo.

hoc-va-thi-chung-chi-tieng-anh-dung-de-bi-cuon-theo-thi-truong-2-3347.jpg
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM).

Theo bà Tô Thụy Diễm Quyên, trí tuệ nhân tạo có thể giúp cho toàn cầu có thể giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ thông qua công cụ chuyển ngữ. Trong một thời gian ngắn nữa chúng ta có thể trò chuyện thoải mái với bất kỳ người nước nào.

Bà Quyên đặt vấn đề: “Việc tập trung học tiếng Anh để lấy chứng chỉ có còn thực sự là mục tiêu to lớn? Để thi vào lớp 10 cần xác định lại mục tiêu của kỳ thi. Trước đây, ngành Giáo dục và đào tạo còn xem trọng việc chuyển giao kiến thức, các kỳ thi chủ yếu kiểm tra kiến thức.

Tuy nhiên, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có một bước tiến tuyệt vời khi khẳng định rằng dạy học phải phát triển năng lực, không còn tập trung nhiều vào cung cấp kiến thức. Chính vì vậy, việc thi vào lớp 10 cần cân nhắc nên thi gì để có thể đánh giá được năng lực chứ không chỉ kiểm tra kiến thức đã học. Thi gì cũng chính là mục tiêu học gì và dẫn đến dạy gì”.

Cũng theo chuyên gia giáo dục này, giới trẻ thế kỷ 21 cần rất nhiều kỹ năng như: Nhóm kỹ năng sống; nhóm kỹ năng học tập và phát triển; nhóm kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông; những hiểu biết về tài chính, tôn giáo, văn hóa... Và quan trọng nhất là năng lực tư duy cùng kỹ năng giải quyết vấn đề.

Đây mới chính là chìa khóa quan trọng trong tương lai. Nếu phụ huynh chỉ đổ xô đầu tư cho con học tiếng Anh và dùng rất nhiều thời gian vào việc này, họ đã bỏ lỡ thời gian quý báu và cơ hội để các con có thể hình thành được những kỹ năng thực sự cần thiết.

“Tiếng Anh chỉ là công cụ. Bản thân tôi và rất nhiều người mặc dù không có chứng chỉ ngoại ngữ, nhưng chúng tôi đã và đang sử dụng tiếng Anh như một công cụ để phục vụ công việc của mình. Chính việc bạn có thể sử dụng tiếng Anh để nghiên cứu và học tập đã giúp cho thế giới này trở nên phẳng đối với bạn”, bà Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.