Rà soát kĩ cây xanh trong trường học
Liên quan đến vụ tai nạn tại Trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TPHCM), ông Trần Quang Bá, quyền Chủ tịch UBND quận cho biết: Cây phượng bất ngờ đổ xuống, trúng 18 HS, trong đó có 2 em lớp 6/7, còn lại là HS lớp 6/8. Các em được nhà trường đưa đến bệnh viện gần nhất. Tuy nhiên, do chấn thương nặng, một HS đã tử vong, 6 em được về nhà, 6 em phải mổ, số còn lại bị xây xát nhẹ ở lại bệnh viện theo dõi.
Sự việc trên khiến nhiều phụ huynh lo lắng, dư luận đặt câu hỏi về an toàn trường học, đặc biệt trong mùa mưa bão. Chia sẻ về vấn đề này, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) thông tin: Mỗi năm nhà trường liên hệ với công ty cây xanh trên địa bàn để rà soát, tỉa cành trước thời điểm năm học mới bắt đầu và trước mùa mưa. Với cây cổ thụ lâu năm được đánh số thuộc quyền quản lý của công ty cây xanh, trường trao đổi và mời họ đánh giá, rà soát để tỉa cành, nhánh. Song song với đó, hệ thống điện, các mái che… cũng được sà soát kĩ trước mùa mưa.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, sự việc cây phượng đổ làm học sinh bị thương, có em đã mất rất đau xót, không ai mong muốn. Dù chỉ do cây cối trong trường thôi, nhưng thực sự nó cũng là một lời cảnh tỉnh, bài học để các trường rút kinh nghiệm, cần chặt chẽ, sát sao hơn trong mọi công tác bảo đảm an toàn.
Là trường nằm ở gần khu vực Thảo Cầm viên, cây xanh trong sân trường, xung quanh khu vực nhiều nên hằng năm, Trường THPT Trưng Vương (Quận 1, TPHCM) hợp đồng với công ty cây xanh kiểm tra, tỉa cành, nhánh 2 lần. Theo lãnh đạo nhà trường, cây xanh trong trường đã nhiều năm tuổi, chuẩn bị vào năm học mới, nhà trường nhờ công ty cây xanh đánh giá xem gốc cây có bị sâu bệnh không để phun xịt, xử lý, tiến hành tỉa, cắt cành.
Liên quan đến việc rà soát, quản lý cây xanh trong nhà trường, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM trao đổi: Hằng năm, sở có văn bản về công tác an toàn trường học vào đầu năm học và vào thời điểm trước mùa mưa, trong đó có nội dung về mảng cây xanh. Các trường thực hiện khá tốt công tác này. “Cây đổ trúng HS là sự việc đáng tiếc. Đây là bài học để toàn ngành tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học. Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát lại hệ thống cây xanh lâu năm tuổi để có những giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh”.
Không lơ là trong mùa mưa bão
Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai đến cán bộ, giáo viên, học sinh, cộng đồng được cơ sở giáo dục thực hiện tốt, triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo của các ngành, cấp về công tác phòng, chống thiên tai. Ngành Giáo dục đã chỉ đạo sâu sát việc triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai có hiệu quả, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản như: Triển khai các văn bản chỉ đạo có liên quan về công tác phòng, chống thiên tai; dạy học lồng ghép các nội dung về biến đổi khí hậu, giáo dục môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giáo dục kỹ năng sống, xóa mù bơi cho học sinh…
Mùa mưa bão, ngành Giáo dục các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên nhắc nhở các trường học gia cố trường lớp, cắt tỉa cây xanh bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh. Đặc biệt, các trường học ở vùng lũ, vùng ven biển đối diện với nguy cơ giông lốc, gió bão nên việc gia cố thường xuyên hơn. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng đò đưa rước học sinh không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ theo quy định.
Tại tỉnh vùng lũ như An Giang, Đồng Tháp, hằng năm vào mùa mưa lũ, học sinh đến trường cũng đối mặt với nguy cơ đuối nước. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, ngành Giáo dục, chính quyền địa phương vận động xã hội hóa hỗ trợ phương tiện đưa rước miễn phí giáo viên và học sinh.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, ngành có kiến nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ và quận, huyện tổ chức tập huấn, diễn tập về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn vào đầu mùa mưa cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cùng tham gia. Tuy nhiên, ngành cũng gặp một số khó khăn như chưa được tập huấn về công tác phòng, chống thiên tai do các cấp có thẩm quyền tổ chức. Ít được tiếp cận với các đề án, dự án liên quan đến phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Cán bộ quản lý, giáo viên ít được tham gia các khóa tập huấn, diễn tập về công tác phòng, chống thiên tai ở địa phương…