Học sinh lớp 1, lớp 6 trở lại trường: Tập trung hình thành phẩm chất, luyện kỹ năng

GD&TĐ - Sau Tết Nguyên đán 2022, học sinh thành phố Đà Nẵng và một số địa phương của Quảng Ngãi lần đầu tiên đến trường học trực tiếp.

Học sinh lớp Một, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) trong ngày đầu tiên đến trường.
Học sinh lớp Một, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) trong ngày đầu tiên đến trường.

Các trường học đã dành một lượng thời gian phù hợp để ôn tập kiến thức, giúp học sinh hình thành những phẩm chất, kỹ năng mà quá trình dạy học trực tuyến không có điều kiện để rèn luyện. 

Học lại cách ghi vở

Thầy Từ Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Nghiêm (thành phố Quảng Ngãi) cho biết: Trong thời gian đầu học sinh trở lại trường học trực tiếp, nhà trường tổ chức ôn lại những kiến thức cốt lõi ở học kỳ I, trong thời gian học sinh học trực tuyến. Đối với học sinh lớp 6, ngay từ đầu năm học, trong bố trí giáo viên đứng lớp, nhà trường đã ưu tiên những giáo viên vững vàng về chuyên môn, tâm huyết và nhiệt tình.

Trong hai tuần đầu học sinh đến trường học trực tiếp, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Nghiêm yêu cầu giáo viên bộ môn lớp 6 hướng dẫn lại cho học sinh phương pháp học tập phù hợp với hình thức học trực tiếp.

“Trong quá trình dạy học trực tuyến, giáo viên sẽ có 2 giáo án: Một kế hoạch bài dạy và một giáo án dưới dạng PowerPoint. Với những nội dung cần chép vở, giáo viên sẽ in đậm cho học sinh biết. Nhưng khi chuyển sang dạy trực tiếp, mỗi giáo viên đều có cách ghi bảng, nhấn những nội dung quan trọng khác nhau. Nếu học sinh không biết cách ghi chép theo kiểu tự học rất khó nắm bắt bài. Đây là một kỹ năng quan trọng sẽ theo các em trong suốt bậc học nên giáo viên phải dành thời gian để hướng dẫn cho học sinh” – thầy Đông cho biết.

Trong điều kiện vừa dạy học vừa phòng chống dịch, Trường THCS Nguyễn Nghiêm hướng dẫn giáo viên lựa chọn những kỹ thuật để tổ chức cho học sinh làm việc nhóm phù hợp. “Làm việc nhóm là một kỹ thuật trong phương pháp hợp tác. Có thể không bắt buộc phải ghép bàn để học sinh ngồi đối mặt với nhau mà sử dụng phiếu trả lời, mỗi em sẽ trả lời vào phiếu cá nhân sau đó một em đại diện nhóm tổng hợp phát biểu theo kỹ thuật khăn trải bàn. Đây có lẽ là cách tổ chức cho học sinh làm việc nhóm phù hợp nhất để vẫn đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch” – thầy Đông nhận xét.

Ngoài tổ chức làm việc nhóm theo kỹ thuật khăn trải bàn, giáo viên có thể tổ chức các hoạt động tập thể trong giờ học. Theo thầy Nguyễn Văn Tuấn - Tổ trưởng tổ chuyên môn Lịch sử - Địa lý, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), những trò chơi nối chữ, nhìn hình đoán chữ, các trò chơi khởi động cho học sinh như tìm hiểu các địa danh… vừa giúp học sinh gắn kết với không khí lớp học nhưng cũng góp phần giúp một số em bớt đi sự thụ động.

Các trường THCS đều chú trọng hướng dẫn phương pháp học tập cho học sinh lớp 6 khi các em học trực tiếp tại trường. Ảnh: Học sinh lớp 6, trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)
Các trường THCS đều chú trọng hướng dẫn phương pháp học tập cho học sinh lớp 6 khi các em học trực tiếp tại trường. Ảnh: Học sinh lớp 6, trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)  

Dạy – học phân hóa đối tượng

Cô Lê Thị Minh Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1, Trường Tiểu học Hải Vân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vừa gọi học sinh đọc bài vừa động viên: “Em đọc to và dõng dạc như mấy hôm lớp mình học trực tuyến kìa. Cô nhớ em đọc to, nhớ vần nhanh mà”. Một số học sinh lớp Một vẫn chưa quen với không khí học trực tiếp nên rất rụt rè, đọc nhỏ, có em khi cô giáo gọi đọc bài còn không thể đọc được.

Chính vì vậy, trong thời gian đầu học sinh lớp Một trở lại trường học trực tiếp, giáo viên tổ Một của Trường Tiểu học Hải Vân thống nhất dành nhiều thời gian rèn cho học sinh kỹ năng giao tiếp và hợp tác. “Do số ca nhiễm của địa phương đang tăng cao, chúng tôi chưa thể tổ chức cho học sinh làm việc nhóm mà chú trọng rèn cho các em kỹ năng hợp tác với cô giáo trong làm việc cá nhân là chủ yếu” – cô Trần Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Đối với môn Tiếng Việt, cô Minh Tâm chia sẻ kinh nghiệm: “Kỹ năng đọc thành tiếng và đọc hiểu của học sinh cũng còn hạn chế. Giáo viên sẽ chia học sinh theo từng nhóm dựa trên mức độ nắm bắt kiến thức và thành thạo kỹ năng của các em để có hình thức hỗ trợ phù hợp như vào giờ nghỉ tại lớp hoặc phụ đạo trực tuyến”.

Qua khảo sát tình hình sau 2 ngày học sinh lớp Một đến trường học trực tiếp, vẫn còn một bộ phận học sinh đọc chậm, không nhớ chắc âm, vần. Tình trạng viết sai kích cỡ chữ vẫn còn nhiều. Chia sẻ thông tin, cô Trần Thị Tường Vi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nói: Trường sẽ dành 2 tuần để ôn tập, củng cố lại các kiến thức và rèn kỹ năng thuộc chương trình học kỳ I cho khối lớp Một. “Sau hai tuần, nhà trường sẽ tổ chức cho các em làm bài khảo sát trực tiếp. Dựa trên kết quả bài kiểm tra, sẽ quyết định tiếp tục tổ chức ôn tập hay dạy bài mới theo phân phối chương trình. Khi học sinh chưa nắm chắc kiến thức, các kỹ năng còn chưa thành thạo thì việc hoàn thành chương trình cũng chỉ mang tính hình thức” – cô Trần Thị Tường Vi cho biết.

“Việc học trực tuyến trong một thời gian dài với học sinh lớp 6 sẽ tạo cho các em sự thụ động trong học tập. Dù quá trình học trực tuyến, giáo viên vẫn dành nhiều thời gian để tương tác nhưng hiệu quả mang lại không rõ rệt. Chính vì vậy, thời gian đầu khi các em quay trở lại trường học trực tiếp, giáo viên phải tạo được những hoạt động để học sinh có được sự hứng thú với việc học, lôi cuốn các em tham gia cùng tập thể lớp”, thầy Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ