Ngân hàng Thế giới ước tính, có tới 1,6 tỷ trẻ em bị tước quyền tiếp cận với GD, sau khi Covid-19 bùng phát. Khi các trường học ở một số quốc gia lên kế hoạch tái hoạt động trong thời gian tới, nhiều tổ chức phi chính phủ cảnh báo rằng, hàng triệu trẻ em dễ bị tổn thương nhất có thể không bao giờ trở lại lớp học. Các chuyên gia cảnh báo, sau nhiều thập kỷ đấu tranh cho nền GD trẻ em, đại dịch có thể một lần nữa khiến sự bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng.
Tại Tanzania, các nữ sinh phải rời khỏi trường nội trú và trở về nhà do Covid-19. Ở khu vực Sahel - nơi tảo hôn được coi là điều bình thường, UNICEF lo lắng rằng, nhiều nữ sinh sẽ không bao giờ được trở lại trường.
Chính phủ Tanzania hiện gửi lại một số lượng nhỏ HS tới trường, đặc biệt là đối với những người chuẩn bị tham dự kỳ thi.
Ở phía Tây và Trung Phi, 120 triệu trẻ em đã về nhà sau khi trường học đóng cửa. Andy Brooks - cố vấn bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Tây và Trung châu Phi cho biết, mối quan tâm lớn đối với các nữ sinh là, việc rời khỏi trường trong một thời gian dài khiến các em có nguy cơ phải kết hôn sớm.
“GD là yếu tố trì hoãn của tảo hôn. Ở khu vực này, cứ 10 cô gái sẽ có 4 người kết hôn trước 18 tuổi. Trong khi đó, các quốc gia Sahel - Mali và Nigeria, Burkina Faso ghi nhận 6/10 trường hợp như vậy”, ông Brooks nói.
Chuyên gia này lý giải, phần lớn gia đình đều lo ngại tới vấn đề tài chính và do đó, họ thường cho con gái kết hôn sớm. Ngoài ra, việc trường học đóng cửa đột ngột khiến nhiều trẻ em gặp nguy hiểm khi di chuyển nhiều ngày một mình để về nhà.
“Khi các trường học đóng cửa, trẻ em ở khắp nơi đều trở về nhà. Hơn 7.000 người đã đi từ Nigeria đến Niger. Đó là một khoảnh khắc khủng khiếp đối với những đứa trẻ dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, đây có thể là một cơ hội để thay đổi”, ông nói.
Trong khuôn khổ mở lại trường học một cách an toàn, UNICEF và Ngân hàng Thế giới cũng như Chương trình Lương thực Thế giới nêu rõ: “Những tác động bất lợi của việc đóng cửa trường học đối với trẻ em đều được ghi chép lại: Bỏ học, nguy cơ mang thai ở tuổi vị thành niên gia tăng, bị bóc lột tình dục, bạo lực và các mối đe dọa khác”.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cảnh báo, việc các trường học đóng cửa có thể mang lại nguy cơ đảo ngược những lợi ích được thực hiện gần đây trong việc mở rộng tiếp cận GD cho trẻ em tị nạn. Ngay cả trước khi các trường học đóng cửa vì Covid-19, chưa đến 1/2 trẻ em tị nạn được đi học, trong khi chỉ 1/4 người học THCS.
Ở Bangladesh, các nhóm viện trợ đã chuẩn bị khởi động chương trình thí điểm, cho phép trẻ em tị nạn Rohingya ở các khu định cư học từ giáo trình giảng dạy của Myanmar. Babu Nisa - trợ lý giảng dạy người tị nạn tại một trong những trung tâm, chia sẻ, HS của cô đã rất buồn khi nghe tin trường học phải đóng cửa do Covid-19.
Tại Mỹ Latinh, những nhóm làm việc với người tị nạn lo ngại, Covid-19 sẽ khiến những trẻ em này khó có cơ hội tới trường. Thậm chí, nỗi sợ hãi về làn sóng thứ hai xuất hiện tại các tổ chức GD đã khiến hàng loạt phụ huynh ở châu Âu quyết định để con mình ở nhà, ngay cả khi trường học mở cửa trở lại.
Eric Hazard - Giám đốc chiến dịch và chính sách của tổ chức Save the Children ở châu Phi, đã chỉ ra nguy cơ bạo lực tình dục mà các nữ sinh phải đối mặt khi không đi học.
“Chúng tôi biết những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng Ebola. Khi đó, tỷ lệ trẻ em bỏ học gia tăng, đặc biệt là đối với các bé gái. Hơn 11.000 cô gái ở Sierra Leone mang thai. Chúng ta cần chú ý đến nguy cơ do phong tỏa gây ra, đặc biệt là vấn đề bạo lực và lạm dụng tình dục đối với trẻ em”, ông Hazard nói.