(GD&TĐ) - Mặc dù việc xử phạt người đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm đã được quy định trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ năm 2010 - nhưng kể từ ngày 7/3, Công an TP Hà Nội mới bắt đầu siết chặt quy định này thì hầu hết người đi xe đạp điện đều vi phạm quy định tại Nghị định. Đáng buồn, trong những ngày đầu tiên tiến hành xử phạt, học sinh sinh viên chiếm số lượng rất lớn.
|
Cần có chế tài đủ mạnh nhằm nâng cao ý thức học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm |
Ý thức kém
Trao đổi về thực trạng này, nhiều nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm lâu năm trong các trường THPT tại Hà Nội đều cho rằng: Hiện nay ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ và những quy định xử phạt đi kèm cả nhiều học sinh còn rất kém. Cô Phạm Thị Thanh Vân -Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long, cho biết: Năm học mới bắt đầu trong tháng 9 trùng với “Tháng an toàn giao thông” nên học sinh toàn trường đã được kí cam kết nghiêm chỉnh chấp hành tốt các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, những nội dung về an toàn giao thông cũng được lồng ghép trong môn học giáo dục công dân và các buổi sinh hoạt dưới cờ sáng thứ Hai hàng tuần. Tuy nhiên, chỉ mấy ngày đầu tiên Công an TP Hà Nội xử phạt người điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, nhà trường đã nhận được giấy báo xử phạt 12 trường hợp vi phạm là học sinh của trường. Hiện nhà trường đã nhắc nhở các học sinh này và đang bàn bạc đưa ra biện pháp xử lý nếu tái vi phạm. Nhà trường đã có kế hoạch nhóm họp với hơn 100 phụ huynh học sinh có con dùng xe đạp điện làm phương tiện đến trường để kí cam kết phối hợp giáo dục các em.
Theo cô Vân, trong số học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, bên cạnh nguyên nhân do ý thức chấp hành luật giao thông kém thì số học sinh còn lại là do sao nhãng, hay quên hoặc do gia đình không quan tâm, nhắc nhở.
Gia đình đóng vai trò giáo dục quyết định
Bày tỏ quan điểm ủng hộ chiến dịch ra quân xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm điều khiển xe đạp điện khi tham gia giao thông của CA TP Hà Nội, thầy Nguyễn Dương Quang - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, còn cho rằng các phụ huynh cần phải giáo dục kĩ càng hơn nữa để học sinh chấp hành luật tốt hơn. Sự phối hợp giữa ba bên gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục học sinh là quan trọng và rất cần thiết, nhưng sự phối hợp này phải thực sự đồng bộ. Trong khi nhà trường và các lực lượng xã hội đã phối kết hợp rất tốt để giáo dục học sinh biết luật nhưng để học sinh chấp hành luật thì vai trò của cha mẹ vẫn mang yếu tố quyết định.
Xử lý nghiêm học sinh vi phạm
Theo cô Bùi Thị Minh Nga- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - do số lượng học sinh dùng xe đạp điện làm phương tiện đến trường quá đông nên nhà trường chưa thể kiểm đếm, quản lý được. Trường THPT Trần Phú có hơn 1.000 học sinh đi xe đạp thì có quá nửa trong số đó là xe đạp điện. Chính vì vậy, quan điểm của nhà trường là các lực lượng giữ gìn trật tự an toàn giao thông phải xử lý nghiêm các trường hợp học sinh đi xe đạp điện mà không đội mũ bảo hiểm. Đồng thời có thông báo gửi về các nhà trường để làm cơ sở uốn nắn, nhắc nhở các trường hợp này kịp thời sửa chữa hành vi.
Từ đó, nhà trường sẽ họp hội cha mẹ học sinh và tiến hành kí cam kết để cùng giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông của các em. Nếu cả gia đình, nhà trường và xã hội đều nghiêm khắc trong giáo dục luật an toàn giao thông mà học sinh vẫn nhiều lần tái phạm thì các trường hợp này phải bằng lòng với mức hạnh kiểm bị nhà trường hạ xuống thấp. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như vậy mới mong ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ trong học sinh được cải thiện tốt nên, cô Nga khẳng định.
Thống kê của UB ATGT QG thời điểm giữa tháng 3/2013 cho thấy tỷ lệ HS Hà Nội đội MBH khi ngồi sau xe mô tô, xe gắn máy là 8-10%. Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh là 50%, so với đầu năm 2012 là 22% (trước khi Chiến dịch quốc gia “Trẻ em phải đội MBH” được UB ATGT QG phối hợp với một số cơ quan, tổ chức triển khai ở đây). Đối với tình hình đội MBH khi đi xe đạp điện, thống kê cho thấy ở thời điểm trung tuần tháng 3, số vi phạm lên tới 99%, nhưng đã nhanh chóng được cải thiện khi có thông tin từ tháng 4 tới các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt các vi phạm này. |
Bá Hải