Học phí online: Sao cho hợp tình hợp lý

Học phí online: Sao cho hợp tình hợp lý

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, học trực tuyến, chi phí đầu tư của trường ít đi nhưng học phí vẫn gần bằng học trực tiếp trên giảng đường.

Chia sẻ gánh nặng với người học

Trường ĐH Văn Lang TPHCM (VLU) quyết định giảm 20% học phí đối với học phần đăng ký học online; giảm 10% học phí đối với khối lượng học phần không dạy online và học phần không đăng ký học online.

Tiếp đến là Trường ĐH Văn Hiến TPHCM và các trường thuộc hệ thống Tập đoàn Nguyễn Hoàng gồm: ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Gia Định, ĐH Hoa Sen, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng giảm từ 20% học phí học online và 10% đối với các môn học offline cho sinh viên đang theo học.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành TPHCM cũng có thông báo miễn giảm 15% học phí với học phần đào tạo online. Mức giảm sẽ được khấu trừ vào học phí học kỳ III năm học 2019 – 2020 của sinh viên. Ngoài ra, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng quyết định xóa bỏ N* (ký hiệu riêng của trường) cho các sinh viên chưa hoàn tất đóng học phí học kỳ II.

Mặc dù là đơn vị công lập tự chủ tài chính nhưng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) quyết định giảm 8% học phí môn học lý thuyết online đối với SV. Đồng thời, nhà trường khuyến khích SV nộp tiền học phí theo hình thức chuyển khoản để hạn chế rủi ro dịch bệnh lây lan.

Bên cạnh việc giảm học phí, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE cho hay: Nhà trường sẽ tìm nguồn lực khác nhằm cung cấp thêm nhiều suất học bổng cho SV để bảo đảm các em an tâm học hành. Sau khi dịch kết thúc, nhà trường tổ chức đối thoại để xem những SV nào kinh tế thu nhập gia đình bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 sẽ có chính sách giảm 50% hoặc 100% học phí.

Học phí online: Thế nào là phù hợp?

Trong một buổi đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo HCMUTE và SV, một số SV cho rằng học trực tuyến, chi phí đầu tư của trường sẽ ít đi nhưng thu học phí vẫn gần bằng học trực tiếp trên giảng đường. Đồng thời, một số SV cũng cho rằng, mình chưa thích ứng với hình thức học mới này.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE, đây là thời điểm để chúng ta cùng thức tỉnh, biến thách thức thành cơ hội, để đẩy mạnh việc dạy online và nâng cao tinh thần tự học. Hiện mức học phí của trường thuộc dạng thấp nhất trong hệ thống các trường ĐH công lập tự chủ tài chính (không hưởng ngân sách của Nhà nước) nên giảm 8% là vừa phải.

Hiệu trưởng HCMUTE cho rằng: Việc so sánh mức giảm học phí của trường với mức giảm 20% của một số trường tư thục là chưa chuẩn xác. Bởi các trường tư thục thu học phí cao hơn nên giảm 20% vẫn đủ bảo đảm chi phí để vận hành hệ thống.

“Tiền học phí SV đóng là để bảo đảm hoạt động của trường cho cả học kỳ, cả năm học. Trong đó, gồm các loại tiền (trả lương cho GV-CBVC, mua trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để thực tập, tiền điện nước… là chính), còn tiền dành cho việc dạy học rất ít (hơn 10%). Cho nên một số SV có nhầm lẫn: “Tôi đóng tiền cho môn học này giờ học online phải giảm là chưa chính xác. Vì những chi phí khác nhiều gấp chục lần so với chi phí để dạy…” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) là cơ sở sớm triển khai việc dạy online trong mùa dịch. TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng LHU cho biết: Nhà trường xây dựng hệ thống quản lý đồng bộ từ việc lên chương trình, đăng ký môn học, thời khóa biểu, hệ thống dạy online, hệ thống thu phí, hệ thống quản lý SV... khoảng trên 50 module quản lý trong toàn trường. SV có thể xem được số tiền phải đóng, số tiền chưa đóng, còn nợ gì, hoàn toàn có thể làm online.

So sánh học phí giữa học trực tuyến và học trực tiếp, TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho rằng: Đối với học thực hành vẫn tiến hành bình thường, không thay đổi gì cả, giờ không học được thì khi nào hết dịch sẽ tiếp tục học. Còn với các môn học lý thuyết, giáo viên vẫn thực hiện bài giảng, đôi khi công việc còn nặng nề hơn giảng trên lớp. “Trong đó, việc quay phim biên tập chỉnh sửa các video mất nhiều thời gian, bài giảng đôi khi phải quay đi quay lại nhiều lần. Bên cạnh việc học online trên hệ thống, giáo viên còn phải tương tác trực tiếp với SV thông qua các phần mềm học trực tuyến như Zoom, Skype, Goolge plus... để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho SV. Để làm chuyên nghiệp và chi tiết như vậy, khối lượng công việc còn nhiều hơn cả giảng dạy trực tiếp. Để có được những bài giảng chất lượng, nhà trường đã đầu tư khoản kinh phí gần 3 tỷ đồng cho phim trường, hệ thống máy móc xây dựng bài giảng, phần mềm...” - Phó Hiệu trưởng LHU chia sẻ.

Cũng theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh, việc biên soạn, quay phim làm video có thể sử dụng được nhiều lần đối với các môn cơ bản; Các môn đòi hỏi cập nhật tính thời sự của thị trường, xã hội phải cập nhật từng học kỳ. Vì thế trường đầu tư nguồn lực rất nhiều. Còn việc giảm học phí là giải pháp để hỗ trợ cho người học trong giai đoạn khó khăn thôi, chứ không phải vì giảng online mà giảm học phí hơn so với giảng trực tiếp.

Nếu giảng dạy online chỉ theo kiểu dùng các phần mềm Zoom hoặc Skype giảng dạy và gửi file qua Zalo, Facebook hoặc email thì đúng là tiết kiệm chi phí nhiều, còn ở LHU đầu tư quay video bài giảng hẳn hoi, đưa lên không khác gì một buổi học trên lớp nên đầu tư công sức cũng khá cao, mức học phí phải tương ứng. - TS Nguyễn Vũ Quỳnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.