Để tìm hiểu rõ hơn về ngành Ngôn ngữ Italia, Báo Giáo dục & Thời đại đã có buổi trò chuyện với ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – Phó trưởng BM Ngữ văn Ý, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.
Chương trình đào tạo cập nhật, đổi mới, phù hợp với thực tế công việc
PV: Xin cô cho biết về lịch sử hình thành của ngành Ngôn ngữ Italia tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh: Bộ môn Ngữ văn Ý đào tạo ngành Ngôn ngữ Italia được thành lập từ năm 2010 và chính thức đào tạo khóa đầu tiên vào năm 2012. Tính đến nay BM đã đào tạo đến khóa sinh viên thứ 10, cung cấp cho xã hội gần 300 cử nhân Ngôn ngữ Italia.
100% giảng viên của khoa đều được đào tạo tại Ý, am hiểu sâu sắc về nền văn minh lâu đời này. Cử nhân tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Italia đang làm việc rất tốt trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có nhiều bạn làm việc và học tập tại Ý.
Ngành học cũng đã đóng góp tích cực cho quan hệ giữa Việt Nam và Italia, nhất là trong ngoại giao, văn hóa, kinh tế, giáo dục…
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Italia Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM trong một hoạt động dã ngoại |
PV: Thưa cô, sinh viên sẽ học những khối lượng kiến thức nào khi theo học ngành Ngôn ngữ Ý?
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh: CTĐT hệ chuẩn của ngành Ngôn ngữ Italia, ngoài khối kiến thức đại cương học chung với toàn trường, sẽ học khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành. Nói nôm na, trong hai năm đầu, SV sẽ học để có thể sử dụng tốt tiếng Ý với 4 kỹ năng cơ bản (nghe, nói đọc, viết), trình độ từ A1 đến B2. Trong hai năm tiếp theo, ngoài việc tiếp tục rèn luyện kỹ năng tiếng, SV sẽ học kiến thức chuyên ngành liên quan đến văn hóa, lịch sử, văn học Ý, cùng các môn học định hướng nghề nghiệp như biên – phiên dịch, tiếng Ý trong thương mại và du lịch, tiếng Ý trong giảng dạy và nghiên cứu. Trong quá trình học, SV được liên tục rèn luyện các kỹ năng mềm phục vụ cho học tập và công việc sau này.
PV: Đào tạo gắn với thực hành sẽ được thực hiện như thế nào, thưa cô?
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh: Hiện nay tại BM, toàn bộ các môn học đều được giảng dạy theo hướng lý thuyết kết hợp với thực hành. BM luôn cố gắng hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp của Ý tại Việt Nam (Tổng Lãnh sự Ý, phòng Thương mại Ý, Thương vụ Ý,…) để liên hệ các cơ hội thực tập, các hoạt động tình nguyện có sử dụng tiếng Ý và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên trong quá trình học tập. Ngoài ra, CTĐT của BM còn có một học phần Học tập thực tế kéo dài 1 tuần (3 tín chỉ), giúp sinh viên thực sự bước ra khỏi môi trường lớp học, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học của mình trong các tình huống thực tế, để SV có cơ hội thử sức với cuộc sống bên ngoài.
PV: Được biết, ngành Ngôn ngữ Ý đang được ứng dụng tốt trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Vậy, cử nhân ngành này có thể làm tốt những công việc như thế nào?
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh: Cử nhân ngành Ngôn ngữ Italia có thể làm tốt các công việc trong các cơ quan Ngoại giao của Ý và Việt Nam, làm việc trong các doanh nghiệp có hợp tác với người Ý tại VN (thường là với vị trí trợ lý, hoặc tại bộ phận xuất nhập khẩu), các công tác biên – phiên dịch cho các sự kiện văn hóa, giáo dục, thương mại… có phía Ý tham gia, làm việc trong lĩnh vực du lịch (hướng dẫn viên du lịch tiếng Ý, điều hành, tư vấn tour tiếng Ý…), hoặc giảng dạy tiếng Ý tại các cơ sở giáo dục.
PV: Sinh viên ngành có lợi thế như thế nào từ sự phát triển của nước Ý?
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh: Dù tiếng Ý không phổ biến như tiếng Anh, nhưng văn hóa Ý lại có độ phủ sóng cực kỳ rộng rãi, hội họa, kiến trúc, thiết kế công nghiệp, thời trang… của Ý đều thuộc hàng top trên thế giới. Văn hóa, lịch sử Ý với nền văn minh La Mã, những thành tựu trong thời Phục Hưng của Ý có ảnh hưởng to lớn tới cả nền văn minh nhân loại. Ẩm thực Ý với những pizza, spaghetti, gelato… được yêu thích trên toàn thế giới. Nước Ý hiện đại cũng luôn thuộc nhóm các nước phát triển nhất Châu Âu, và ngày càng tăng cường các quan hệ giao thương, hợp tác công nghiệp với Việt Nam.
Như vậy, học tiếng Ý cũng là một cách để tiếp cận với một trong những nền văn minh lâu đời và phát triển bậc nhất của nhân loại, mở ra cánh cửa để thỏa mãn những đam mê về kiến trúc, hội họa, thời trang, bóng đá, ẩm thực… thuộc hàng tinh hoa của thế giới, đồng thời có cơ hội làm việc, hợp tác với phía Ý trong nhiều lĩnh vực.
Một buổi sinh hoạt chuyên đề của sinh viên ngành Ngôn ngữ Italia Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM |
PV: Được biết, SV ngành ngôn ngữ có thể làm trong lịch vực du lịch, truyền thông, văn phòng, thương mại… rất tốt. Vậy đâu là lợi thế khi học ngành này để các bạn có thể làm việc tốt trong các lĩnh vực này?
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh: Trong quá trình học, thầy cô luôn cố gắng cung cấp kiến thức nền và rèn luyện cho SV các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau; một số kỹ năng được tập trung nhất là kỹ năng tự học, thuyết trình, đàm phán, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, giao tiếp và chịu được áp lực… được rèn ngay từ năm nhất trở đi. Nhờ vậy, SV ngành Ngôn ngữ Italia luôn có thể tự trau dồi các kiến thức chuyên môn, thích ứng tốt với công việc trong nhiều lĩnh vực. Thông thường, từ năm nhất SV đã có cơ hội được thực tập trong các hoạt động tình nguyện với Lãnh sự Ý, đôi khi được tham dự các buổi hòa nhạc Ý tại Nhà hát thành phố, hoặc được dự các show thời trang uy tín, hoặc các buổi tìm hiểu về ẩm thực tại những nhà hàng Ý…
Để theo học ngành Ngôn ngữ Ý
PV: Để theo học ngành Ngôn ngữ Ý, các bạn trẻ cần có những tố chất nào, thưa cô?
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh: Ngành đào tạo tiếng Ý cho những người mới bắt đầu, nên các bạn không cần phải biết tiếng Ý mới thi vào Ngữ văn Ý. Tuy nhiên, để học tốt, yêu cầu bạn phải thực sự chăm chỉ, kiên nhẫn và thích tìm tòi, học hỏi. Việc yêu thích hay mong muốn khám phá đất nước, văn hóa và ngôn ngữ Ý là động lực rất quan trọng.
PV: Theo cô, SV cần phải trau dồi những kiến thức và kỹ năng nào nữa khi học ngành này?
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh: Sinh viên có thể tích lũy cho bản thân một số kỹ năng mềm tiêu biểu như: kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, kỹ năng tìm kiếm, phân tích và xử lý thông tin cũng như kiến thức mới (về chuyên ngành ngôn ngữ hay về văn hóa – lịch sử - địa lý...). Bên cạnh đó, nếu các bạn có những định hướng như thương mại, du lịch, truyền thông, thời trang, nghệ thuật… thì cũng cần tích lũy các kiến thức và kỹ năng liên quan.
PV: Xin cô cho lời khuyên đối với các bạn trẻ đã tìm hiểu và yêu thích ngành học này để thực hiện đam mê và thành công.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh: Cá nhân tôi nghĩ, các bạn lựa chọn học tiếng Ý đã là một sự can đảm. Thường thì mọi người chọn ngành học với mục tiêu hàng đầu là để đi làm, học cái gì sẽ làm cái đó. Điều đó đúng, chúng tôi hiểu và cũng đang cố gắng đào tạo nên những cử nhân có thể đáp ứng các nhu cầu tuyển dụng của xã hội. Nhưng đôi khi chúng ta quên mất rằng, học còn để thỏa mãn đam mê, để hoàn thiện bản thân nữa. Vậy nên, dù như thế nào, cũng hy vọng các bạn đủ kiên định, đủ chăm chỉ, nỗ lực để theo đuổi đam mê và hướng đi các bạn đã chọn.
Chúc các bạn đủ mạnh mẽ để trưởng thành và thành công.
Trân trọng cảm ơn Cô!
“Ngành đào tạo tiếng Ý cho những người mới bắt đầu, nên các bạn không cần phải biết tiếng Ý mới thi vào Ngữ văn Ý. Tuy nhiên, để học tốt, yêu cầu bạn phải thực sự chăm chỉ, kiên nhẫn và thích tìm tòi, học hỏi. Việc yêu thích hay mong muốn khám phá đất nước, văn hóa và ngôn ngữ Ý là động lực rất quan trọng...” - ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh.