Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển dự và phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo tổ chức lấy ý kiến cán bộ thanh tra về: Hướng tổ chức hoạt động thanh tra kỳ thi THPT quốc gia; để thành lập các đoàn thanh tra kỳ thi THPT quốc gia nên trưng tập cán bộ từ các cơ quan, đơn vị nào, số lượng trưng tập; Việc phân công cán bộ các đoàn thanh tra;
Thanh tra những nội dung nào trong quá trình tổ chức thanh tra kỳ thi THPT quốc gia; có cần yêu cầu các Hiệu trưởng chủ trì cụm thi thành lập Ban thanh tra (Ban giám sát) để tự kiểm tra, giám sát của HĐCT hay không...
Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến tham luận từ phía Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố và các trường ĐH tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Đổi mới kỳ thi, công tác thanh tra cũng đổi mới. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật về thanh tra thì không thay đổi. Công tác thanh tra các kỳ thi phải được tiến hành trên cơ sở những quy định này.
Trên cơ sở xác định đúng đối tượng thanh tra, các cán bộ thanh tra làm tròn trách nhiệm trong quá trình thanh tra kỳ thi. Trong quá trình này, vai trò của Chủ tịch Hội đồng thi rất lớn nên cán bộ Thanh tra cấp trên phải phát huy được tinh thần trách nhiệm của các Chủ tịch Hội đồng thi.
Đồng thời, hoạt động thanh tra các kỳ thi sắp tới phải xác định được từng việc cụ thể của công tác thành tra trong các khâu: Chuẩn bị hồ sơ cho học sinh thi của Sở GD&ĐT, xét tốt nghiệp THPT, công tác coi thi, chấm thi của các Hội đồng coi thi; xét tuyển, phúc khảo...
Trên cơ sở đó mới phân cấp được công tác thanh tra từ T.Ư đến địa phương, Hội đồng coi thi.
Những công tác này của hoạt động thanh tra đã được Bộ GD&ĐT cùng các Sở, các trường ĐH triển khai thường niên. Nay, với những điểm mới trong quy chế kỳ thi THPT quốc gia, Bộ sẽ có hướng dẫn, quy định cụ thể các hoạt động thanh tra kỳ thi.
Tại Hội thảo, T.Ư Hội Luật gia Việt Nam trao tặng bằng khen cho tập thể Chi Hội Luật gia Bộ GD&ĐT và 2 cá nhân của Chi hội đã có thành tích xuất sắc trong thời gian qua.