Thế nhưng, chính những hoa quả vốn được coi là “an toàn” thì nay lại bị biến thành những loại thực phẩm độc hại, bởi quá trình bảo quản bằng hóa chất, thuốc ép chín, thuốc chống thối sau thu hoạch... đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dùng.
Tránh “vỏ dưa” gặp “vỏ dừa”
Khi được hỏi về tính an toàn của sản phẩm, bất kỳ tiểu thương ở các chợ, hay các cửa hàng kinh doanh hoa quả đều có chung một câu nói: Hoa quả chín tự nhiên chứ không ủ bất kỳ một loại hóa chất nào. Hoặc nếu có dấm chín thì cũng bằng những phương pháp tự nhiên, như dùng đất đèn, hay bằng hương như các cụ xưa nay vẫn làm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đất đèn là một chất cũng rất độc hại đã bị nhiều quốc gia trên thế giới cấm sử dụng, nhưng chất này vẫn được các nước Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal và đặc biệt là Việt Nam… sử dụng để ủ chín trái cây.
Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia cho rằng, đất đèn là tên gọi một hợp chất hóa học có công thức CaC2 (calcium carbide). Khi cho đất đèn phản ứng với nước sẽ sinh ra khí acetylene (C2H2), hay còn gọi là “khí đá”. Khí này có tác dụng làm cho trái cây chín đồng đều và đẹp hơn so với để chín tự nhiên. Để ủ chín, tuỳ theo từng loại trái cây, có thể phun khí acetylene vào buồng ủ chín đến các nồng độ thích hợp.
Thông thường, khí acetylene sinh ra từ đất đèn không gây ngộ độc, nếu chỉ tiếp xúc ở nồng độ thấp dưới 2,5% trong khoảng thời gian dưới một giờ. Nhưng nếu tiếp xúc ở nồng độ trên 33%, con người có thể bị ngất xỉu. Ngoài ra, khí acetylene có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người trong một thời gian dài.
Các triệu chứng khi bị ngộ độc acetylene là khát nước, khó nuốt, ói mửa và cảm giác ngứa ngáy ở miệng, cổ họng hay mũi và đặc biệt có thể làm hỏng mắt vĩnh viễn… Chính vì vậy, người dùng đất đèn dấm chín hoa quả thường được khuyến cáo phải đeo kính, bịt khẩu trang khi thao tác.
Khó quản lý hóa chất độc hại
Bà Nguyễn Thị Huệ - một tiểu thương kinh doanh chuối ở chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thực ra chuối muốn ủ chín rất đơn giản, chỉ cần cắt từng nải ra, cho vào thùng phi to hoặc trùm chăn bông lên, sau đó cắm vài que hương lên và chỉ sau vài ba ngày là chuối sẽ chín.
Thực ra, đây là phương pháp ủ chín an toàn, nếu hương được làm từ các vật liệu tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường tràn lan rất nhiều loại hương được trộn từ hóa chất tẩm mùn cưa cũng rất độc hại cho người sử dụng.
Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường về 5 mẫu hương lấy ngẫu nhiên trên thị trường được công bố mới đây cho thấy, trong thành phần bột và tăm hương của tất cả các mẫu xét nghiệm đều có chứa các chất hóa học như: Lưu huỳnh, axit photphoric...
Kết quả xét nghiệm khói hương cho thấy, khi đốt 3 nén hương trong thời gian 40 phút, khói hương sinh ra các loại khí độc như: SO2 (lưu huỳnh đioxit), CO (cacbon oxit), NO2 (nitơ đioxit). Khi hít phải khí CO ở nồng độ thấp có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ở nồng độ cao có thể tử vong. Ngoài ra, tiếp xúc với SO2 và NO2 khi đốt hương có thể làm giảm khả năng lao động, ảnh hưởng tim mạch, gây hại đường hô hấp…
Câu hỏi đặt ra là liệu những hóa chất này sẽ bay đi đâu, hay lại ngấm ngược trở lại vào những quả chuối trong quá trình ủ chín với môi trường kín? Ngày nay, để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng có nhiều cách, hoặc nhờ người nhà mua chuối từ các vườn ở quê chuyển lên hoặc mua ở các cửa hàng thực phẩm sạch, hoặc mua chuối xanh về rồi chờ quả tự chín ăn dần. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp mang tính tình thế và bị động.
Bởi xét về lâu dài, vẫn phải có biện pháp tuyên truyền hiệu quả để người kinh doanh không vì thiếu hiểu biết, không vì lợi ích trước mắt mà gây hại cho bản thân và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có khuyến cáo về những sản phẩm bảo quản hoa quả an toàn được bán phổ biến trên thị trường và cần hơn nữa là sự quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp của cơ quan chức năng để không còn tình trạng hóa chất độc hại được bán cho người kinh doanh hoa quả dễ dàng như hiện nay.