Khóa học do Quỹ an ninh và đổi mới sáng tạo công nghệ quốc tế (ITSI) của Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức, nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, một ngành công nghiệp quan trọng đang trên đà phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Không chỉ cung cấp kiến thức về công nghệ bán dẫn, khóa học còn mở ra cơ hội giao lưu, hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia đầu ngành, giúp giảng viên tiếp cận với công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Trong chương trình, các giảng viên được phổ biến các kiến thức về: đóng gói và thiết kế vi mạch; các khái niệm trong đóng gói bán dẫn. Trong đó bao gồm các nội dung như: Mô tả cấu trúc và chức năng của đóng gói bán dẫn và tầm quan trọng của chúng; các thách thức về đóng gói vi mạch trong tương lai; khám phá tương lai của đóng gói vi mạch; xu hướng hiện tại và tương lai trong thiết kế đóng gói…
Chương trình góp phần cùng nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhân lực kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.
Việc đào tạo này không chỉ mang lại lợi ích cho các giảng viên, mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực vi mạch trong nước.
PGS TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho hay, song song với việc đào tạo về vi mạch, Trường ĐH Lạc Hồng cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các chương trình đổi mới sáng tạo và bảo mật công nghệ quốc tế. Cụ thể, gần đây Trường đã tham gia cùng với Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ quốc tế của Hoa Kỳ để triển khai các dự án đổi mới, nhằm khuyến khích các sinh viên và giảng viên tham gia nghiên cứu, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cao.
"Các dự án này không chỉ tập trung vào đổi mới công nghệ, mà còn hướng đến việc bảo vệ an ninh thông tin và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Sự hợp tác quốc tế này giúp Trường ĐH Lạc Hồng mở rộng quy mô nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong thực tiễn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam", ông Quỳnh nói thêm.
Quỹ an ninh và đổi mới sáng tạo công nghệ quốc tế (ITSI) của Hoa Kỳ tại Việt Nam lựa chọn các giảng viên đến từ các quốc gia: Costa Rica (50 người), Philippines (31 người), Việt Nam (121 người) để tham gia chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.