Nếu năm ngoái HLV Park Hang-seo được vinh danh Fair Play với thành tựu trọn đời thì năm nay người xứng đáng với thành tựu đấy là HLV Mai Đức Chung qua những đóng góp không biết mệt mỏi và hiệu quả của ông cho làng bóng Việt Nam.
Ông Chung từ giải thưởng Cống hiến của Quả bóng vàng đến Vinh danh Fair Play
HLV Mai Đức Chung cùng đồng nghiệp Park Hang-seo đều là nhân vật cống hiến của giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2019 do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức. Ông Chung có công lớn dẫn dắt các học trò nữ giành cú đúp vô địch AFF Cup và SEA Games 30 trong năm 2019 nhưng xuyên suốt quá trình từ nghiệp cầu thủ đến HLV, ông có những cống hiến nhiều hơn thế.
Tuần qua, trong buổi lễ nhận giải Cống hiến, ông Chung chia sẻ chưa bao giờ nắm một đội tuyển nữ quốc gia mạnh như hồi năm ngoái vô địch AFF Cup và SEA Games 30. Sức mạnh đến từ độ chín chắn của các học trò và quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết với tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam. Các cô gái trẻ hay gọi thân mật ông thầy của mình là “bố Chung” và tất cả đều xem nhau như chị em trong gia đình.
Ông Chung tâm sự nếu như giải thưởng Quả bóng vàng cho các học trò nữ của ông là chọn ra những người giỏi nhất mỗi năm thì Fair Play không chỉ có tài năng trên sân bóng mà còn là đạo đức, văn hóa ứng xử, lối chơi đẹp, lòng nhân ái... của giới quần đùi áo số.
Tại SEA Games 30, HLV Mai Đức Chung đã dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam để lại những ấn tượng đậm cùng những hình ảnh cảm động về một đội tuyển nữ hết mình với tinh thần chiến đấu tuyệt vời bảo vệ ngôi vô địch, góp phần vào chiếc huy chương vàng SEA Games thứ sáu của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.
“Người đóng thế hoàn hảo” mát tay với đội tuyển nữ
HLV Mai Đức Chung đã sắp bước vào lứa tuổi xưa nay hiếm (69 tuổi) vẫn dễ thương như thời còn trẻ đá cho đội Xe ca Hà Nội. Gần nửa thế kỷ trước, ông Chung dễ tính và chỉn chu đến mức HLV nhờ ông đá chỗ nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ có trừ vị trí thủ môn là chưa bắt chính thức.
Sau này, cứ hễ VFF cần gì ông Chung cũng giúp họ gỡ rối và gỡ thật hoàn chỉnh. Ông có nhiều năm làm trợ lý trên đội tuyển và khi HLV Riedl bị sa thải, ông lại thế chỗ như hồi SEA Games 2007. Một năm sau, ông Chung đã giúp U-22 Việt Nam vô địch cúp Merdeka sau nửa thế kỷ chờ đợi.
Khởi nghiệp huấn luyện với bóng đá nữ, ông Mai Đức Chung thành công rực rỡ với các cô gái Việt Nam. Cầu thủ đá bóng vì ông và thương ông như cha đẻ của họ. Thật lạ, mỗi lần đóng thế cho các đời thầy ngoại là mỗi lần ông Chung vô địch.
Ông Chung từng nắm đội nữ quốc gia thay HLV Steve Darby (Anh), Giả Quảng Thác, Trần Vân Phát (Trung Quốc) và mới đoạt chức vô địch SEA Games 30, tổng cộng đã đăng quang 4/6 lần vào các năm 2003, 2005, 2017, 2019, chưa tính một lần vô địch AFF Cup 2019 hồi tháng 7.
HLV Mai Đức Chung còn dẫn dắt đội tuyển U-22 Việt Nam vô địch giải truyền thống Merdeka 2008 sau nửa thế kỷ tại Malaysia, giúp CLB B. Bình Dương lần đầu tiên của làng bóng lọt vào bán kết AFC Cup 2009, vô địch V-League 2015.
Ông Chung là tiền nhiệm của ông Park
Hai năm trước, HLV Mai Đức Chung từng trong nhóm những ứng cử viên của giải thưởng Fair Play qua nghĩa cử đẹp khi “thế thân” cho VFF gồng gánh đội tuyển nam Việt Nam đá vòng loại Asian Cup trong bối cảnh HLV Hữu Thắng từ chức và chẳng ai dám nhận đội.
Ông Chung mãi sau này mới kể thời điểm ấy, cả người thân và người quen đều nói ông ngây thơ mới lên tuyển sau những giải thua tan tác cùng một tinh thần xuống con số âm. Ông Chung lúc ấy cũng đau đầu dữ lắm nhưng cuối cùng vẫn chấp nhận dấn thân với suy nghĩ trong lúc khẩn cấp, người ta cần mà mình từ chối thì dở đi.
Ông miệt mài gầy dựng lại tuyển nam từ tâm lý cho đến cách chơi chín chắn và dễ dàng đánh bại Campuchia ngay trên sân khách. Tuần sau đá lượt về, ông giao lại đội cho tân HLV Park Hang-seo và cũng với cái đội hình cũ đấy lại thắng chính đối thủ này 5-0 để giành vé chơi vòng chung kết.