Một trong số giải pháp được nhiều địa phương áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng thu sai quy định là công khai các khoản thu theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, hoặc UBND huyện cho người dân nắm rõ và giám sát.
Địa phương vào cuộc
Thời gian qua, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng thu sai quy định - lạm thu gây bức xúc dư luận. Trước tình hình đó, ngày 2/10, Bộ GD&ĐT ban hành Văn bản số 5459/BGDĐT-KHTC gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ sở giáo dục về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2023 – 2024 nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu.
Ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, huyện có 110 trường, từ mầm non, tiểu học đến THCS - PTCS. Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học và tránh tình trạng lạm thu, UBND huyện đã ban hành quyết định phê duyệt về các khoản thu ngoài học phí trong trường trực thuộc trên địa bàn năm học 2023 - 2024.
Trong đó, khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ học sinh gồm: Phục vụ bán trú; học phí 2 buổi/ngày với tiểu học và THCS; tiền học phẩm với mầm non; tiền nước uống; dạy thêm – học thêm trong trường THCS; sổ liên lạc điện tử… với các mức thu cụ thể cho từng nhà trường.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì khẳng định, địa bàn còn khó khăn nên việc quy định mức thu cho từng trường dựa trên thực tế đời sống người dân. Ngay từ khâu lấy ý kiến đã nhận được sự đồng thuận cao, sau đó mới ban hành văn bản.
Huyện yêu cầu các trường thực hiện nghiêm công tác thu chi đầu năm với phụ huynh. Mọi khoản thu phải dựa theo hướng dẫn của thành phố, huyện. Riêng về dạy liên kết, các trường phải chờ cấp trên phê duyệt mới thực hiện. Các khoản tự nguyện, nhà trường không được trực tiếp thu gồm: May quần áo đồng phục (tiểu học và THCS); bảo hiểm tự nguyện; học phí các chương trình bổ trợ.
Tại Nam Định, sở GD&ĐT cũng chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn tình trạng lạm thu. Ông Đỗ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nam Định cho hay, đơn vị đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quản lý thu chi các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập do tỉnh quản lý.
Các cơ sở giáo dục thực hiện thu đúng, đủ chi và chi đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả. Trước khi thu phải có dự toán chi tiết từng khoản, chỉ được thu khi có sự thống nhất bằng văn bản với cha mẹ học sinh. Mức thu không vượt quá mức thu tối đa quy định tại Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh Nam Định.
Ông Nguyễn Viết Hiển – Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình. |
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Trên cơ sở hướng dẫn của Sở GD&ĐT Nam Định, Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) công khai khoản thu với phụ huynh học sinh từ đầu năm học. Trong đó bao gồm tiền học phí 300 nghìn đồng/học sinh/tháng; trông giữ xe không quá 30 nghìn đồng/học sinh/tháng; tiền nước uống 10 nghìn đồng/học sinh/tháng; học thêm các môn văn hóa, dạy kỹ năng sống 6 nghìn đồng/tiết… Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Phương, công khai các khoản thu giúp phụ huynh nắm được thông tin và làm tốt công tác phối hợp với nhà trường.
Tại huyện đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), ông Nguyễn Văn Mạnh – Trưởng phòng GD&ĐT cho hay, năm học này, huyện có 960 trẻ mầm non, hơn 1 nghìn học sinh tiểu học, 729 em THCS và 335 em Trường THPT Võ Thị Sáu.
Các khoản thu ở trường thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 14/2022 của HĐND tỉnh. Riêng tiền ăn bán trú, huyện Côn Đảo áp dụng mức thu 31 nghìn đồng/trẻ mầm non/ngày; học sinh tiểu học là 28 nghìn đồng/học sinh/ngày đối với các lớp bán trú trường tổ chức nấu, nếu thuê đơn vị ngoài nhà trường nấu giá là 35 nghìn đồng/học sinh/ngày.
“Hằng năm, căn cứ vào khoản thu, mức thu theo quy định, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch thu chi dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục. Tùy theo tình hình thực tế cơ sở giáo dục có thể xác định mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong kế hoạch thu chi thấp hơn mức được quy định trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Việc thu chi các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục phải đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả theo kế hoạch thu chi”, ông Nguyễn Văn Mạnh thông tin thêm.
Với tỉnh Thái Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Viết Hiển trao đổi, địa phương quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về công tác thu chi đầu năm tới đơn vị trực thuộc. Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh việc thu chi đầu năm học, hoạt động dạy, học thêm. Đồng thời thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện các hoạt động đầu năm học, trong đó có vấn đề thu chi ở nhà trường.
Tương tự, UBND TP Hải Phòng giao sở GD&ĐT chủ trì, cùng UBND các quận, huyện tiến hành rà soát, chấn chỉnh việc dạy, học thêm, liên kết giáo dục, việc thu chi trong trường học; bảo đảm thực hiện đúng quy định, điều chỉnh về số buổi, tiết học thêm trong tuần, phù hợp khối học, giảm áp lực cho người học.
TS. Luật sư Đặng Văn Cường – Giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Thủy lợi cho rằng, để ngăn chặn tình trạng lạm thu ở các nhà trường cần quán triệt tới đội ngũ cán bộ quản lý về quy định hiện hành của ngành Giáo dục, cơ quan quản lý Nhà nước.
Thời gian qua, một đơn vị thu khoản mang mác “tự nguyện” nhưng trên tinh thần bắt buộc khiến dư luận bức xúc. Do đó, các trường cần nghiên cứu kỹ và thực hiện nghiêm quy định về huy động xã hội hóa và tiếp nhận tài trợ; trong đó có Thông tư 16/2018 của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, mỗi giáo viên cần giải thích rõ với phụ huynh về khoản thu, căn cứ pháp lý kèm theo để người dân hiểu và đồng thuận.