Hiểm họa từ "tín dụng đen"

Hiểm họa từ "tín dụng đen"

(GD&TĐ) - Một trong những biến tướng của cầm đồ là hoạt động tín dụng “đen” hiện nay, dường như đang nổi lên với những diễn biến phức tạp, khó lường. So với những “quỹ tín dụng” này, thì các cửa hiệu cầm đồ xuất hiện nhan nhản trên các tuyến phố, chỉ là “cò con”...

Không có phương án kinh doanh… càng tốt

Điểm đặc biệt của “quỹ tín dụng” này là không có dáng vẻ gì của một cửa hiệu, mà thay vào đó là một văn phòng nhỏ và đơn giản đến bất ngờ, không tên không biển hiệu… Thậm chí là ngôi nhà ở bình thường trong ngõ ngách nào đó, ít người để ý, mọi giao dịch chủ yếu thông qua điện thoại… Hoạt động tín dụng ở đây diễn ra âm thầm với những khoản vay lớn, mức lãi suất đa dạng nhưng nhìn chung đều ở mức cao. Khách hàng chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ, thương gia, cá nhân khi gặp được một “thương vụ” có giá hời, hoặc nhu cầu về cấp bách về vốn trong một thời gian ngắn. Những khoản vay ở đây có thể là vài trăm triệu đồng, thậm chí lên đến cả tỷ đồng… Nắm được tâm lý của người đi vay, chủ nợ luôn tìm cách ép con nợ vay với lãi suất rất cao, bất chấp những giới hạn quy định của pháp luật…

Anh Hoài, thị trấn Đông Anh, Hà Nội cho biết, năm 2012 anh có mua một chiếc ô tô để kinh doanh, song còn thiếu khoảng 150 triệu đồng, sau khi tính toán anh quyết định vay nóng số tiền này với lãi suất 3.000 đồng/ triệu/ ngày, trong một thời gian ngắn, lúc chờ đợi thủ tục để vay ngân hàng. Tuy nhiên khác với sự tính toán của anh, thủ tục vay không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng, nên thời gian vay tín dụng “đen” bị kéo dài, mỗi tháng phải trả tới gần 14 triệu đồng tiền lãi, trong khi tiền gốc không thể thanh toán được, cuối cùng phải bán gấp xe chịu lỗ.

Khi tiến hành các thủ tục vay ngân hàng, thì quan trọng nhất là phải chứng minh được phương án kinh doanh và lộ trình trả nợ, trả lãi khả thi, thứ đến mới là tài sản thế chấp tương ứng, còn đối với tín dụng “đen” thì ngược lại, trong nhiều trường hợp tài sản thế chấp mới quan trọng, còn phương án kinh doanh, trả nợ trả lãi, không có … càng tốt. Vì thế, việc thế chấp tài sản là bất động sản thường được các chủ nợ hợp thức hóa bằng cách yêu cầu đối tác viết sẵn giấy sang tên, chuyển nhượng nhà, đất và những thủ tục cần thiết khác, khi biết chắc con nợ không còn khả năng chi trả, chủ nợ lập tức chuyển quyền sở hữu tài sản mà không cần sự có mặt của chủ nhà…

Hãy ưu tiên khoản vay của mình tại các tổ chức tín dụng hợp pháp
Hãy ưu tiên khoản vay của mình tại các tổ chức tín dụng hợp pháp
 

Không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản

Hệ lụy của những hoạt động tín dụng này được cho là phần chìm của tảng băng liên quan đến những vụ án manh động, những vụ đe đọa, hành hung, “khủng bố” tinh thần gây mất an ninh trật tự đã và đang xảy ra… Tuy nhiên, thực trạng này phản ánh một phần nhu cầu tín dụng xã hội.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Đức Thành, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Nhu cầu tiếp cận các khoản vay để sản xuất kinh doanh, phục vụ sinh hoạt của người dân là hoàn toàn chính đáng. Một nền kinh tế văn minh, hiện đại thì dòng tiền luôn được lưu thông, phát huy hiệu quả của nguồn vốn là tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, nền kinh tế khó khăn đã làm nảy sinh các hoạt động tài chính trái phép gây thiệt hại nghiêm trọng cho người vay về cả tài sản lẫn tinh thần, đồng thời là nguyên nhân gây bất ổn xã hội. Điều 476 Bộ luật dân sự 2005 quy định về lãi suất như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng”. Điều 163 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009 cũng quy định về tội cho vay nặng lãi với mức hình phạt tù đến ba năm.

Thực tế xét xử cho thấy, khi xảy ra tranh chấp, Tòa án không thừa nhận và bác bỏ quyền lợi của bên cho vay đối với lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản NHNN tại thời điểm. Ngoài ra, Tòa án cũng có thể xem xét và tuyên bố Hợp đồng mua bán nhà đất, tài sản là vô hiệu  mặc dù đúng về mặt hình thức, do có dấu hiệu giả tạo để che đậy giao dịch cho vay nặng lãi.

Luật sư Thắng cũng cho rằng: “Người dân có nhu cầu vay vốn, hãy ưu tiên các khoản vay của mình tại những tổ chức tín dụng hợp pháp. Nguy cơ mất nhà, mất tài sản là rất cao vì không có bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào có thể phát sinh lợi nhuận đủ trang trải  lãi suất khủng của các khoản tín dụng “đen”. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải có sự can thiệp quyết liệt hơn nữa với chính sách vĩ mô và các quy định cụ thể để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, hạn chế thủ tục máy móc, rườm rà đôi lúc có phần bắt chẹt, làm khó người vay như hiện nay tại các Ngân hàng”.

Anh Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ