Lãi tới 200 triệu/tháng
Khác hẳn với hình ảnh nghèo đói, khó khăn của những xã miền núi khác, về thị trấn Nông trường Mộc Châu - một huyện của tỉnh miền núi Sơn La - thấy nhà cao tầng mọc lên san sát. Dân thị trấn bây giờ không còn cưỡi ngựa, đi xe đạp mà chuyển sang đi xe máy, sắm xe hơi.
Dẫn chúng tôi vào thăm trang trại bò sữa của gia đình, ông Dương Văn Nội ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, khoe: “Trang trại bò này của nhà tôi rộng khoảng 2,4ha, đang nuôi 76 con bò sữa các loại, giá trị khoảng 8 tỷ đồng”.
Ở thị trấn Nông trường Mộc Châu hiện có khoảng 600 hộ nuôi bò sữa
Ông Nội chia sẻ, trước kia cuộc sống khổ cực lắm, có thời gian ông còn phải đi làm thuê cho các chủ trại bò khác. Thu nhập cực kỳ bấp bênh, bữa đói, bữa no.
Song, từ khi nuôi bò sữa, đến thời điểm này, nhà ông bắt đầu có của ăn của để. Trong khi đó, công việc cũng đơn giản hơn nhờ sự hỗ trợ của máy móc, như cắt, thái cỏ, máy vắt sữa,... chỉ dọn chuồng trại, chở sữa đi bán là dùng sức người.
Vỗ vỗ vào mông những con bò bầu vú căng đầy sữa, ông Nội kể tiếp: “Hiện đàn bò này có 30 con cho sữa, mỗi ngày vắt được 8 tạ công ty thu mua hết. Trừ hết chi phí, tôi lãi vài triệu đồng là chuyện thường”.
Cũng là một trong những hộ đổi đời, thoát ly cảnh nghèo đói và trở thành tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu, ông Phan Doãn Hiệp ở đơn vị 26/7, cho hay trang trại nhà ông đang có 120 con bò, trên 50 con trong số này đang cho sữa. “Trừ hết chi phí, mỗi tháng gia đình tôi đút túi khoảng 200 triệu tiền lãi”, ông Hiệp khoe.
Theo ông Hiệp, đúng là mức thu nhập như vậy hiện khá cao, nhưng quá trình nuôi luôn phải đảm bảo đúng quy trình để lượng sữa đạt tiêu chuẩn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ví như, bò sữa một ngày ăn bao nhiêu cỏ xanh, cỏ alfalfa nhập từ Mỹ, thức ăn ủ lên men, tinh bột. Người nuôi bò phải bền bỉ, chịu khó, nắng cũng như mưa, không có ngày nghỉ lễ tết vì công việc cho ăn, dọn chuồng, vắt sữa,... đảm bảo phải đều đặn.
Nếu bò không được vắt sữa đúng giờ thì chúng cũng bứt rứt khó chịu như người vậy, thậm chí còn cuồng lên phá chuồng. Do đó, đến giờ là phải đem máy ra vắt, không có ngày nào là ngoại lệ, ông Hiệp cho hay.
Đổi đời nhờ bò sữa, nhà nhà sắm xe hơi
Nhờ bò sữa mà các hộ dân nơi đây đổi đời, trở thành tỷ phú với thu nhập trung bình mỗi hộ 35-40 triệu đồng/tháng
Ngồi ngắm cơ ngơi của mình, ông Dương Văn Nội chia sẻ, ở thị trấn Nông trường này, rất nhiều gia đình khác cũng đổi đời nhờ con bò sữa và mô hình liên kết khá bền chặt giữa người nông dân và doanh nghiệp sữa tại Mộc Châu.
Cụ thể, DN đã bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm vật nuôi và giá sữa, hỗ trợ giá thức ăn tinh bột và cỏ Mỹ, cho vay 50-70% số vốn đầu tư mở rộng sản xuất, hỗ trợ khuyến nông.
Công ty còn thưởng “nóng” 500-800 đồng/kg sữa nếu trang trại đạt sản lượng sữa cao và chất lượng tốt. Trong khi đó, phí bảo hiểm vật nuôi ở mức khá cao, 400.000-600.000 đồng/con/năm, nhưng khi bò chết và bị thải loại sẽ được quỹ “đền” số tiền cao gấp cả chục lần.
Ngoài ra, ông Nội và những người nuôi bò sữa ở thị trấn Nông trường Mộc Châu cũng mua bảo hiểm giá sữa bằng cách trích nộp vào quỹ 50 đồng/kg sữa mỗi khi bán cho công ty. Nếu giá sữa sụt giảm 30%, quỹ bảo hiểm sẽ hỗ trợ nông dân 60% số tiền sữa bị giảm.
“Nhờ đó các hộ dân nuôi bò sữa ở Nông trường Mộc Châu không bao giờ thua lỗ khi giá sữa xuống thấp” - Ông Nội nói.
Hiện thị trấn Nông trường Mộc Châu có khoảng 600 hộ nuôi bò sữa, hộ nuôi ít khoảng 20-30 con, hộ nuôi nhiều khoảng 200 con. Tính trung bình mỗi hộ nuôi khoảng 35 con.
“Hầu hết các hộ nuôi bò ở đây đều là tỷ phú, bởi số bò nếu quy đổi ra tiền cũng lên đến tiền tỷ” - Ông Phạm Hải Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu (Mocchaumilk), thừa nhận.
Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, ông Phạm Đức Chính, cũng cho rằng, nhiều hộ dân tại đây thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng, thậm chí số hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng hoặc hơn cũng không ít”, ông Chính tiết lộ.
“Năm 1991, tôi sang Thái Lan thấy mỗi nhà đều có xe máy chở sữa đi bán, tôi chỉ ao ước người nuôi bò ở Mộc Châu có được cái xe máy. Đến năm 2007, tất cả hộ ở đây đã có xe máy.
Sau đó, tôi mong ước họ có được cái ô tô, giờ thì có cả trăm cái ô tô” - Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Mocchaumilk, nói về câu chuyện thành công của mô hình nông dân nuôi bò sữa ở Mộc Châu.