Hết mua vương miện đến “cướp công Thạch Sanh”

GD&TĐ -Câu chuyện hoa hậu đại dương Lê Âu Ngân Anh bị tước vương miệng vì đã từng phẫu thuật thẩm mỹ chưa kịp lắng xuống, dư luận lại đón nhận thêm sự việc đơn vị tổ chức bị chính đơn vị phối hợp tổ chức “hắt chân” ra khỏi sự kiện.

Hết mua vương miện đến “cướp công Thạch Sanh”

Trước những lùm xùm đó, liệu ai sẽ còn tin tưởng vào các cuộc thi sắc đẹp trong nước, khi tiêu cực liên quan đến các cuộc thi sắc đẹp liên tiếp lộ diện?

Chỉ còn mấy giờ nữa sẽ diễn ra đêm bán kết cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu năm 2018”, thì đại diện đơn vị tổ chức chính của cuộc thi là bà Phạm Thị Tuyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Thiết kế và Đào tạo Phương Nam phải gửi đơn cầu cứu khẩn cấp đến báo chí khi công ty của mình bị đơn vị phối hợp tổ chức là công ty Cổ phần truyền thông Đa Phong Cách “hất bay” ra ngoài cuộc.

Sự việc đó khiến dư luận không khỏi bàng hoàng và đặt ra nghi vấn liệu cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu năm 2018 và các cuộc thi sắc đẹp trong nước có thực sự hướng tới mục đích quảng bá thiên nhiên, con người Việt Nam hay không? Hay chỉ là những chiêu trò, toan tính lợi nhuận của một số cá nhân và công ty?

Những năm gần đây, rất nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức ở nước ta như: Hoa hậu biển Việt Nam, Hoa Hậu đại dương, Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu hoàn Vũ Việt Nam, Cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu năm 2018…. Kết thúc cuộc thi, nhiều người luôn có sự nghi ngờ về kết quả, người đăng quang ngôi vị cao nhất. Đã có nhiều giả thiết đặt ra có phải cô hoa hậu này dùng tiền để mua vương miện? Cô hoa hậu đó có phải là bồ của ông này, cháu của bà kia hay không?

Lê Âu Ngân Anh. Ảnh nguồn Internet.
Lê Âu Ngân Anh. Ảnh nguồn Internet.

Và câu chuyện gần đầy nhất là cô hoa hậu đại dương cho Lê Âu Ngân Anh có biệt danh “hoa hậu có đôi môi cá dọn bể” (được cộng đồng mạng xã hội đặt), cô chỉ đăng qua chưa đầy 3 tháng đã bị tước vương miện vì đã từng phẩu thuật thẫm mỹ.

Được biết, trước đó, ngay tại vòng kiểm tra nhân trắc học cô cũng nói rõ mình đã từng đi nâng mũi. Tuy nhiên, cô này vẫn lọt qua vòng kiểm tra nhân trắc học, rồi giật giải cao nhất. Đó là minh chứng rõ ràng nhất về sự không minh bạch trong khâu tuyển chọn và đánh giá.

Bao nhiêu ồn ào của các cuộc thi hoa hậu tạm được lắng xuống khi tối 6/1, chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 cô gái người dân tộc Ê-đê H’hen Niê – một hoa hậu nghèo, đầy nghị lực giành được ngôi vị cao nhất. H’hen Niê lên ngôi phần nào đó làm cho dư luận cảm thấy thỏa mãn, xua đi những bàn tán về việc mua danh của những cô nàng hoa hậu trước đây.

Thế nhưng, chưa được bao lâu thì những sóng gió, ồn ào liên quan đến cuộc thi sắc đẹp này lại tiếp diễn. Lần này, sóng gió không phải xuất phát từ các người đẹp, mà chính là trong nội bộ đơn vị tổ chức. Vì lợi ích riêng mà đơn vị phối hợp tổ chức Công ty CP Truyền thông Đa Phong Cách với vai trò là đơn vị kêu gọi tài trợ cuộc thi đã sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để “loại” đơn vị tổ chức chính là công ty Phương Nam ra khỏi “cuộc chơi”.

Không khó hiểu khi người ta đặt câu hỏi, liệu cuộc thi còn có công minh nữa, ban tổ chức có thực sự chọn được cô gái đủ tài, đủ sắc để đăng quang không?

Phải chăng cuộc thi cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu năm 2018 chỉ là cái vỏ để công ty Cổ phần truyền thông Đa Phong Cách cấu kết với ông Lý Minh Tuấn (nguyên giám đốc công ty Phương Nam) tư lợi cho riêng mình?

Phải chăng, Bộ VH-TT&DL cấp Giấy phép cho công ty Phương Nam – đơn vị tổ chức chính lại làm ngơ trước sự đánh tráo trắng trợn của công ty Cổ phần truyền thông Đa Phong Cách và ông Lý Minh Tuấn?

Liệu phía sau sự đánh tráo nêu trên có sự giúp đỡ, tiếp tay của ai đó hay không?

Dư luận đang đòi hỏi cơ quan chức năng phải dừng ngay cuộc thi để làm rõ những “góc khuất”, những hành vi dối trá giả mạo, làm trái pháp luật của công ty Đa Phong Cách và ông Lý Minh Tuấn mà dư luận đang nghi ngờ tại cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu năm 2018. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ