Hệ thống quản lý mới của V.Putin?

GD&TĐ - Mới đây, Tổng thống Nga quyết định sa thải Chánh Văn phòng Tổng thống Sergey Ivanov, thay vào đó là Anton Vaino. Sự ra đi của Sergey Ivanov - một “mắt xích cuối cùng” của phái tự do cấp tiến ở Nga - chứng tỏ chính sách nhân sự của V.Putin có nhiều thay đổi.

Hệ thống quản lý mới của V.Putin?

Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu?

Những năm gần đây, có vẻ như Tổng thống Nga V.Putin đã bắt đầu thay đổi nguyên tắc của các tổ chức quyền lực. Ông đã sử dụng đội ngũ bạn bè, đồng nghiệp trong một thời gian dài và giờ đây chuyển sang sử dụng những thuộc cấp hành động, những nhà kỹ trị tài ba. Khoảng 5 năm về trước, dư luận chỉ trích Tổng thống Nga rằng ông chỉ xây dựng “chủ nghĩa tư bản của bạn bè”.

Trên thực tế, hệ thống quyền lực của V.Putin được hình thành bởi đội ngũ bạn bè, đồng nghiệp và người thân. “Đội cận vệ” của Putin không chia sẻ quyền lực cho những nhân vật “khác dòng”, kể cả những đại biểu ưu tú nhất của nước Nga, bất chấp tình trạng của đất nước tốt hay xấu. Cũng vì điều này mà người ta hiểu nước Nga không có tự do kiểu phương Tây. Chính vì thế, ngay sau khi Nga sáp nhập Crưm, Mỹ đã tiến hành trừng phạt hàng loạt nhân vật thân tín của Putin, trong đó có các quan chức, doanh nhân nổi tiếng.

Theo các nhà phân tích, mục đích trừng phạt của Washington là “kích” các nhân vật ưu tú của nước Nga chống lại Putin. Tuy nhiên, điều mong muốn của Mỹ đã không thành hiện thực. Và giờ đây, “những người bạn của Putin” sẽ lần lượt ra đi, nhường chỗ cho những nhà kỹ trị mới đầy năng lực.

Việc sa thải Sergey Ivanov diễn ra đúng 1 năm sau khi V.Yakunin, người đứng đầu ngành đường sắt Nga bất ngờ ra đi. Tuy nhiên, trước đó chừng 4 tháng, một số quan chức có ảnh hưởng lớn như: Viktor Ivanov, Andrei Belyaninov, Yevgeny Moores cũng lần lượt rời chức. Trong mùa xuân năm nay, 3 Thống đốc được bổ nhiệm đều xuất thân từ cơ quan an ninh của Tổng thống. Họ còn rất trẻ nhưng đã có bề dày kinh nghiệm và đã làm việc trong nhiều cơ quan khác nhau.

Cú đánh vào hệ tư tưởng của điện Kremlin

Trên thực tế, Putin đã thừa kế một đất nước đổ nát. Nhiệm vụ đặt ra trước Putin khi ấy là ngăn chặn sự tan rã của nước Nga. Chính vì vậy, vào 5 năm trước (mùa thu năm 2011), Putin giải thích quyết định trở lại nắm giữ chiếc ghế Tổng thống của ông là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh ấy, Putin chỉ sử dụng những người ông biết và tin tưởng - có nghĩa là các đồng nghiệp làm việc trong KGB và văn phòng thị trưởng của St. Petersburg. Chính nhóm “tinh hoa mới” này đã giúp ông vượt qua những thử thách cam go trong những năm qua để thiết lập trật tự và kiểm soát ở đất nước này.

Tuy nhiên, trước tình hình mới, Putin không thể giữ mãi đội “cận vệ già”. Muốn củng cố quyền lực, Putin buộc phải “quốc hữu hóa các tầng lớp tinh hoa” để tạo thành xương sống của thế hệ quản lý mới. Anton Vaino là một trong những người như vậy. Nguyên là Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Nga từ năm 2012, năm nay Vaino 44 tuổi, là người chiếm trọn lòng tin từ V.Putin. Không phải ngẫu nhiên mà giới phân tích đã chờ đợi sự kiện này từ lâu.

Theo nhà phân tích chính trị Vyacheslav Ivanov Smirnov, từ tháng 11/2015, Vaino được gọi là “ứng cử viên của các tầng lớp chính trị gia tương lai”. Theo Tổng Giám đốc hãng truyền thông chính trị và kinh tế Dmitry Orlov, trên bảng xếp hạng các chính trị gia ở Nga, chỉ trong vòng một vài tháng, Vaino bứt phá từ vị trí thứ 90 đến thứ 20.

“Trong bối cảnh còn đầy rẫy bảo thủ của các tầng lớp chính trị hạt nhân ở Nga, đó là một sự gia tăng rất lớn” - Dmitry Orlov khẳng định. Sự thăng tiến càng rõ rệt hơn khi không lâu sau đó, Anton Vaino trở thành thành viên thường trực của Hội đồng An ninh quốc gia.

Theo các nhà phân tích, việc bổ nhiệm Anton Vaino làm Chánh Văn phòng Tổng thống của V.Putin thực sự là cú đánh mạnh vào hệ tư tưởng vốn cũ kỹ của điện Kremlin. Rất có thể một số nhân vật thân cận cũ của V.Putin không lấy làm hài lòng, nhưng đó là yêu cầu của tình hình mới. Nước Nga phải thay đổi và việc thay đổi đầu tiên chính là từ bộ não lãnh đạo của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ