Khuôn mặt phúc hậu, hiền hòa nhưng cũng rất nghiêm nghị, giọng nói hào sảng và đanh thép… Đó là những gì thế giới vẫn thấy ở bà Ri Chun-hee, người liên tục đại diện cho Nhà nước Triều Tiên truyền đi những thông điệp khiến toàn cầu phải nín thở.
Hình ảnh quen thuộc này khiến tờ New York Times (Mỹ) phải đặt cho bà Ri Chun-hee biệt danh “Người đàn bà hét ra lửa”. Đó là những thông tin ít ỏi chúng ta biết về người phụ nữ này.
Tuy nhiên, mọi sự đã sáng tỏ hơn qua những chia sẻ của ông Jin Seong Rak - Cựu nhân viên Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên KCNA - sau khi ông này vượt biên sang Hàn Quốc cách đây vài năm.
“Người đàn bà hét ra lửa” Ri Chun-hee |
Là một phát thanh viên nổi tiếng, nhưng Ri Chun-hee lại không được đào tạo báo chí truyền hình một cách bài bản. lên hình cũng chỉ là nghề tay trái của “Người đàn bà hét ra lửa”.
Đầu tiên Ri Chun-hee được gia đình hướng theo con đường nghệ thuật và gửi vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Bình Nhưỡng. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1971 bà vào Nhà hát kịch Trung ương Triều Tiên và trở thành diễn viên rất triển vọng.
Ông Jin Seong Rak cho biết, “Ri Chun-hee có ngoại hình đẹp và diễn xuất rất tốt nên thường được giao những vai nữ chính, chủ yếu là nữ quân nhân, anh hùng.
Khi đó kịch ở Triều Tiên hầu hết là phục vụ lãnh đạo nhà nước, khách nước ngoài và quân đội, nhưng nhân dân đều biết Ri Chun-hee”.
Cũng theo Jin Seong Rak, chính trong một lần đi xem Ri Chun-hee diễn, Bí thư của Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên đã quyết định mời bà sang làm phát thanh viên vào năm 1974.
Bạn bè của ông Jin Seong Rak khẳng định đã nhiều lần nhìn thấy cô phát thanh viên trẻ của Đài ra sông Đại Đồng để hùng biện, la hét một mình.
Không ít ý kiến cho rằng, Ri Chun-hee có vấn đề về tâm lý và đề nghị chuyển cô đến bệnh viện tâm thần. Sự việc càng nghiêm trọng hơn khi các chuyên gia Liên Xô vô tình cho biết, Adolf Hitler cũng từng luyện khả năng phát biểu trước đám đông như vậy.
Điều đó khiến Ri Chun-hee suýt bị khai trừ khỏi Đảng. Tuy nhiên, mọi thứ đã nhanh chóng thay đổi khi Chủ tịch Kim Nhật Thành đến thăm Đài vào năm 1975. Vị Chủ tịch này đã đích thân lựa chọn Ri Chun-hee đọc bức thư mà ông gửi nhân dân Triều Tiên, sau khi nghe tất cả giọng đọc của đài.
Sau khi bức thư được phát đi, cô phát thanh viên trẻ nhận được sự khen ngợi của lãnh tụ tối cao. Kể từ đây, sự nghiệp của Ri Chun-hee thăng hoa một cách chóng mặt. Cô bắt đầu được lựa chọn đọc những bản tin, thông cáo quan trọng của Nhà nước Triều Tiên.
Được bảo vệ như nguyên thủ
Bà Ri Chun-hee trong một đợt tiếp phóng viên kênh CCTV |
Theo những tiết lộ của Jin Seong Rak, vào những năm 1980, giọng đọc của Ri Chun-hee đã trở nên vô cùng đặc biệt. Nhà nước Triều Tiên dùng tiếng nói của bà như là công cụ đắc lực để tuyên truyền về sự sáng suốt của lãnh tụ tối cao Kim Il-sung cũng như Đảng Lao động Triều Tiên anh hùng. Khi truyền hình chỉ đến được với số ít người dân thì giọng đọc của Ri Chun-hee, thậm chí, còn được đưa lên cả đài phát thanh.
Chính Hàn Quốc hồi đó cũng cấm quân đội xem bản tin từ Triều Tiên, bởi hầu hết trong đó đều là những lời của bà Ri Chun-hee đe dọa dìm miền Nam trong biển lửa và vũ khí hạt nhân.
Một tờ báo của Hàn Quốc cũng phải thừa nhận người phụ nữ này có sức mạnh của cả một đạo quân.
Xuất phát từ sự quan trọng này, lãnh đạo Triều Tiên đã lên kế hoạch bảo vệ Ri Chun-hee khỏi những âm mưu ám sát từ những lực lượng bên ngoài.
Gia đình bà được chuyển đến khu vực đặc biệt chỉ dành cho những quan chức cấp cao tại thủ đô Bình Nhưỡng. Từ chỗ đạp xe đi làm, Ri Chun-hee được cấp hẳn một chiếc xe hơi hạng sang có kính chống đạn.
Không chỉ vậy, một đội cảnh vệ hằng ngày luôn theo sát bà trên quãng đường hơn 3 km từ nhà đến Đài truyền hình. Nhà riêng của “Người đàn bà hét ra lửa” không phải là nơi ai cũng có thể đến.
Theo tiết lộ của Jin Seong Rak, ngoài việc được sự cho phép của vợ chồng Ri Chun-hee, những người muốn vượt qua hàng rào cảnh vệ còn phải có giấy phép của cơ quan an ninh khu vực Taesong (khu trung tâm của Bình Nhưỡng).
Việc bảo vệ an toàn tính mạng của phát thanh viên số một Triều Tiên chỉ bớt căng thẳng sau khi Kim Nhật Thành qua đời và hai miền Nam – Bắc có những bước tiến tích cực trong việc hòa giải dân tộc.
Bà Ri Chun-hee cùng cháu gái |
Hưởng lương của một thiếu tướng
Bà Ri Chun-hee đọc 2 thông báo quan trọng về cái chết của Kim Il-sung và Kim Jong Il |
Với những đóng góp lớn lao của mình trong lĩnh vực tuyên truyền, bà Ri Chun-hee được hưởng một chế độ đãi ngộ rất cao. Ông Jin Seong Rak nói: “Năm 2009, lương của một nhân viên Đài truyền hình như tôi cũng chỉ được khoảng 90.000 won một tháng (gần 100 USD), nhưng Ri Chun-hee nhận tới gần 500.000 won. Đó là số tiền khổng lồ ở Triều Tiên và tương đương mức lương của một thiếu tướng”.
Tuy nhiên, theo ông Jin Seong Rak, ở một đất nước như Triều Tiên, lương cao đôi khi lại không phải là sự đãi ngộ tốt nhất. Những người như bà Ri Chun-hee hơn dân thường ở chỗ là được cấp phát những thứ không có bán ở cửa hàng như thực phẩm đặc biệt, đồ gia dụng, hay đơn giản là được dùng điện vào ban đêm (ở Bình Nhưỡng hầu như mọi gia đình chỉ có điện vào ban ngày).