Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đất nước chưa tới 10 triệu dân, tham gia tích cực các hoạt động quân sự trong khu vực và chi tiêu mạnh tay để mua vũ khí.
Trong diễn biến mới nhất, UAE đã tham gia liên minh không kích lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang lộng hành ở Iraq và Syria. Năm 2011, quốc gia này cũng đưa hàng chục máy bay chiến đấu gia nhập lực lượng thiết lập vùng cấm bay ở Libya.
Dù thế giới không để tâm nhiều tới tiềm lực quân sự của UAE nhưng quốc gia này nằm trong top 15 đất nước đổ tiền cho quân sự nhiều nhất hành tinh năm 2013.
Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quốc phòng của UAE đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua với hơn 14 tỷ USD. Các nhà nghiên cứu dự đoán, UAE sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới trong năm 2015.
Ở thời điểm hiện tại, UAE đang là đồng minh tích cực của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Lực lượng tình báo UAE đang làm việc tích cực để chống lại các tay súng Hồi giáo cực đoan đang lộng hành ở Iraq và Syria. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng đưa nhiều máy bay quân sự tới đóng tại căn cứ không quân Al Dhafra, bên ngoài Abu Dhabi.
Xe tăng UAE vãi đạn trong một cuộc tập trận. Ảnh: Reuters |
Theo Business Insider, mối đe dọa từ Iran là nguyên nhân chính khiến UAE đổ tiền vào quốc phòng. Nó là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong đó Tiểu Vương quốc Dubai đang dần trở thành trung tâm tài chính mới. UAE sở hữu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn cùng nhiều cảng biển trong nhóm nhộn nhịp nhất Trung Đông. Tuy nhiên, UAE giáp mặt Iran trên Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz nên họ đầu tư mạnh vào quốc phòng trong bối cảnh tiềm lực quân sự Iran ngày càng mạnh mẽ.
UAE mua hàng loạt tàu chiến và máy bay của Mỹ nhằm nâng cấp quân đội. Một số phi cơ họ đặt mua thuộc hàng hiện đại nhất thế giới. UAE cũng đang đàm phán mua máy bay tàng hình thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ nhằm chiếm ưu thế trước phi đội chiến đấu cơ của Iran.
Quân đội vũ trang UAE diễn tập năm 2013. Ảnh: Reuters |
Nhằm tăng cường tiềm lực, UAE đã ra chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc với nam giới từ 18 tới 30 tuổi trong tháng 6. Theo đó, những người tốt nghiệp cấp 3 phải đi lính 9 tháng trong khi những người không có bằng phải đi nghĩa vụ quân sự 2 năm.
Phong trào Mùa xuân Arab bùng lên làm chao đảo nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi nhưng UAE hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Nó cho thấy sự vững vàng của chế độ cầm quyền ở quốc gia này. Tuy nhiên UAE cũng rất hạn chế công khai các chính sách về quân sự và an ninh vì lo sợ nó ảnh hưởng tới chế độ.